Đó là chiếc nôi được mệ nội tôi đặt hàng cho ông Dụ, một người thợ đan tre khuyết tật nhưng rất khéo léo của làng tôi khi mạ mang bầu tôi mấy tháng. Chiếc nôi tre hình như chiếc lá khổng lồ đã đón tôi từ vòng tay của mẹ sau ngày đầy tháng. Để rồi từ đó tôi khóc oe oe chờ được mạ, ba hay mệ nội cầm bốn sợi dây nôi (tao nôi) đưa tôi vào giấc ngủ bằng những lời ru ngọt ngào như sữa mẹ:

 “À ơi… Ru con con thét cho muồi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”
…Mạ sinh sáu đứa con và cả sáu anh em tôi đều lớn lên trong chiếc nôi tre hình chiếc lá khổng lồ đó và những lời ru. Theo lời kể của mạ, cứ đứa ni thôi nôi thì chiếc nôi tre được ba mang gác lên cái giàn chái bếp và nó lại được ba tôi treo lên chiếc đòn tay trong nhà khi gia đình đón nhận thêm một thành viên mới. Chiếc nôi tre cứ thế bền bỉ ru giấc ngủ những đứa con thơ đến hơn mười năm là nhờ khói bếp…
Dọc theo đường Lê Duẩn (TP Huế) có đến gần chục gia đình theo nghề làm nôi mây tre. Đây là cái nghề cha truyền con nối cũng đã ngót gần non thế kỷ. Bà Thoa, một người thợ làm nôi kể rằng: “Khi tui về làm dâu thì mạ chồng tui chuyên làm nghề gióng. Sau đó bà chuyển sang làm nôi tre, nôi mây vì bán được hơn. Tui theo nghề làm nôi của nhà chồng cũng đã gần năm mươi năm rồi…”. Nhà ở phố, nên mấy hộ làm nghề đan nôi phải đặt nguyên liệu tre, mây ở các địa phương miền núi, như Bình Điền, Nam Đông. Mà để có thành phẩm một chiếc nôi phải qua nhiều công đoạn: ngâm nước mây tre cho mềm rồi đem vót sạch, tiếp đó lại ngâm nước để cho sợi mây, tre dẻo đi rồi mới đan nôi.
Một chiếc nôi như thế hai người đan phải hơn một ngày mới hoàn thành. Mà giá mỗi chiếc nôi như thế cũng chỉ 200 ngàn, tính đi tính lại trừ đi phần mua nguyên liệu lấy công làm lãi cũng được 100 ngàn. Có điều, không như những năm xưa nôi mây, tre được đặt hàng bán chạy; bây chừ thi thoảng mới có một người tới hỏi mua nôi. Nhưng đã là nghề của ông cha nên không nỡ bỏ. Bà Thoa rất vui khi kể về chuyện một người đàn ông đã đứng tuổi đánh ô tô tới mua nôi. Vị khách hàng đó nói rằng: “Mấy đứa cháu nội của tui đều nằm nôi mây tre hết; trước hết là để cho cái lưng tụi nhỏ nó thẳng, thứ hai là để cho tụi nhỏ nghe được những lời ru của mẹ, của bà…”.
Lại nghĩ đến lời than phiền của những người đứng tuổi khi những đứa trẻ ra đời trong không ít gia đình chỉ nằm nôi điện tự động lắc lư khỏi phải bỏ công ngồi ru trẻ. Nếu muốn cho trẻ ngủ chỉ cần bật nhạc từ chiếc máy cát- xét, điện thoại di động bất cứ thể loại nhạc nào cũng có. Lời ru từ lòng mẹ cũng từ đó phai nhòa dần trong tâm trí của những người mẹ trẻ. Nhìn những chiếc nôi mây tre được bày bán trên hè phố lại bật ra một điều thú vị: người Việt mình suốt đời gắn bó với tre từ khi mới sinh ra đã được tre bao bọc, lớn lên chạy nhảy, vui đùa sau lũy tre làng và cả những chiếc đũa tre trong bữa ăn hàng ngày… Cũng vì thế chăng nên chỉ có nôi mây tre gần gũi mới “đánh thức” được tiếng ru từ lòng mẹ? Nghĩ thế thôi cũng đã thấy trân quý những người thợ làm nôi mây tre và cả những vị khách hiếm hoi tìm đến đây mua những chiếc nôi truyền thống để chuẩn bị hành trang vào đời cho những đứa trẻ. Rồi đây những đứa trẻ lớn lên có mấy ai cảm nhận được câu hát này: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À ơi, tiếng ru muôn đời…” (Phạm Duy).
Phi Tân