Đông Nam Á chiếm 28% tổng số ca tử vong do giao thông đường bộ trên toàn cầu. Ảnh minh họa: The Star/Dantri

Theo Báo cáo hiện trạng toàn cầu năm 2023 của WHO về an toàn đường bộ, số ca tử vong do giao thông đường bộ hàng năm đã giảm xuống còn 1,19 triệu ca/năm, giảm khoảng 5% kể từ năm 2010. Tuy nhiên, tai nạn giao thông đường bộ vẫn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu dai dẳng, trong đó người đi bộ, người đi xe đạp và những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương khác phải đối mặt với “nguy cơ tử vong cấp tính và ngày càng tăng”, với hơn 2 ca tử vong xảy ra mỗi phút, tương đương với hơn 3.200 người thiệt mạng mỗi ngày do giao thông đường bộ.

Bình luận về báo cáo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng mặc dù một số hành động đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đủ, số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ đã giảm nhưng không đủ nhanh.

Gánh nặng toàn cầu

Báo cáo cho thấy số ca tử vong do giao thông thay đổi tùy thuộc vào nơi người dân sinh sống, với tỷ lệ cao nhất là ở khu vực Đông Nam Á, nơi xảy ra 28% số ca tử vong trên toàn cầu. Tiếp theo là 25% ở Tây Thái Bình Dương, 19% ở châu Phi, 12% ở châu Mỹ, 11% ở phía đông Địa Trung Hải và 5% ở khu vực châu Âu.

Đáng lưu ý, 9 trong 10 ca tử vong xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, và tỷ lệ tử vong ở các quốc gia này cao hơn một cách không tương xứng khi so sánh với số lượng phương tiện và đường sá mà họ có. Nguy cơ tử vong ở các nước thu nhập thấp cao gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao, mặc dù các nước thu nhập thấp chỉ sở hữu 1% số phương tiện cơ giới trên thế giới.

Báo cáo cũng chỉ rõ rằng một trong những nhóm lớn nhất bị ảnh hưởng bởi tử vong do giao thông đường bộ là thanh thiếu niên và trẻ em từ 5 - 29 tuổi. Theo đó, WHO nhấn mạnh tai nạn giao thông đường bộ vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này trên toàn cầu.

Ông Michael R. Bloomberg, Đại sứ toàn cầu của WHO về các bệnh không lây nhiễm và thương tích cho biết trong hơn một thập kỷ vừa qua, chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ. “Tuy nhiên, như báo cáo mới này nêu rõ, an toàn đường bộ đòi hỏi những cam kết mạnh mẽ hơn từ các chính phủ trên toàn thế giới”, ông nhấn mạnh.

Kêu gọi các tiêu chuẩn và chính sách tốt hơn

Báo cáo cũng cho thấy sự thiếu tiến bộ một cách đáng báo động trong việc thúc đẩy luật pháp và các tiêu chuẩn an toàn khi chỉ có 6 quốc gia có luật đáp ứng các thông lệ tốt nhất của WHO đối với tất cả các yếu tố rủi ro. Những rủi ro này liên quan đến việc chạy xe quá tốc độ, uống rượu khi lái xe và không sử dụng mũ bảo hiểm xe máy, dây an toàn và ghế an toàn cho trẻ em.

Dự kiến, số lượng phương tiện cơ giới toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Tuy nhiên, chỉ có 35 quốc gia - chưa đến 1/5 số quốc gia thành viên LHQ - ban hành luật về tất cả các tính năng an toàn chính của phương tiện (ví dụ: hệ thống phanh tiên tiến, bảo vệ tác động phía trước và bên hông...). Báo cáo cũng tiết lộ những lỗ hổng lớn trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng đường bộ an toàn, khi chỉ có 51 quốc gia có luật yêu cầu kiểm tra độ an toàn đối với tất cả những người tham gia giao thông.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ WHO)