Hệ thống bảo vệ ATGT tại các công trình đang thi công vẫn còn sơ sài |
Những vướng mắc hiện hữu
Gần đây, khi nâng cấp mở rộng đường Phạm Văn Đồng, TP. Huế thì việc đi lại của người dân cũng gặp những khó khăn. Bên cạnh việc ùn tắc là điều tồn tại từ lâu thì một số vị trí rào chắn, biển cảnh báo của công trình chưa đầy đủ, mặt đường ngổn ngang khiến người đi đường vào ban đêm dễ té ngã.
Vào thời điểm trời nắng, bụi từ công trường cuốn vào các nhà dân ven đường khiến việc sinh hoạt, buôn bán của các hộ dân bị ảnh hưởng. Một số hộ phải thường phải đóng cửa, treo màn trước hiên để tránh bụi.
Bà Lê Thị Tý (sống cạnh đường Phạm Văn Đồng) phản ảnh, dù biết thi công đường sá là có bụi bặm, ảnh hưởng nhất định đến việc tham gia giao thông. Tuy nhiên đơn vị thi công phải thiện chí và có giải pháp hiệu quả đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trên tuyến trong quá trình thi công.
Tại huyện Phong Điền đang triển khai thi công đường Phong Điền - Điền Lộc, đặc biệt đoạn vượt đường sắt tại thị trấn Phong Điền khá nhếch nhác và bụi bặm. Trong khi đó việc rào chắn ATGT ở khu vực này chưa đảm bảo, nhất là tại nút giao QL1A đến khu vực đường sắt ban ngày cũng như đêm lưu lượng người xe qua lại đây khá đông, vừa ảnh hưởng khói bụi vừa nguy cơ va chạm với các phương tiện thiết bị đang thi công ở đây.
Ông NBĐ (một người dân sống khu vực này) nói: “Một số vị trí cọc đóng gần khu vực thi công chưa được bố trí đèn tín hiệu đầy đủ. Nhiều lúc ban đêm, người dân di chuyển qua đây không giữ được khoảng cách an toàn dễ té ngã, gây tai nạn. Rất mong các đơn vị liên quan chú trọng trong khâu này”.
Tiến độ đi đôi với an toàn
Theo quy định, để đảm bảo an toàn khi thi công trên tuyến giao thông, đơn vị thi công phải có biện pháp phân luồng, hướng dẫn phương tiện. Đồng thời bố trí các biển báo, đèn tín hiệu quanh khu vực thi công. Tuy nhiên, một số công trình trong quá trình thi công do tập trung tiến độ nên việc đảm bảo an toàn có lúc, có thời điểm đã “nới lỏng”.
Không những các công trình giao thông đang thi công trên cạn mà ngay cả công trình thi công trên sông, cụ thể cầu vượt trên sông Hương cần chú trọng đến việc đóng cọc, phân luồng và bố trí đèn vào ban đêm đầy đủ giữa khoảng cách giữa phương tiện ghe thuyền với khu vực đang thi công. Hiện nay, trên sông Hương đoạn qua khu vực đang thi công cầu vẫn còn các loại phương tiện nhỏ qua lại. Đây là những xuồng máy của người đi câu cá, chài lưới và chở hàng nhu yếu phẩm lên thượng nguồn. Do đó đang hiện hữu có nguy cơ mất an toàn do va chạm với các sà lan thi công, các trụ thép tại công trình…
Riêng tình trạng thiếu an toàn khi thi công trên đường Phạm Văn Đồng đã được báo chí và người dân phản ảnh. Thanh tra, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thường đến kiểm tra, nhắc nhở và đề xuất các đơn vị luôn chú trọng đảm bảo ATGT trong quá trình thi công.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng BQL DA Xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết, đơn vị thường xuyên bố trí nhân sự giám sát các công trình giao thông đang thi công trên địa bàn; đồng thời có văn bản đề nghị các nhà thầu chú ý bố trí thời gian thi công phù hợp, như: đào đất, lắp đặt cống thi công vào ban đêm; bố trí nhân sự điều phối giao thông trong suốt quá trình thi công, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm để đảm bảo ATGT. Khi trời nắng phải bố trí nhân sự tưới nước đảm bảo vệ sinh môi trường; thu dọn các vật liệu, thanh thải trên công trường đúng nơi quy định; rào chắn, che đậy các hố ga đang thi công đảm bảo ATGT.
Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị lực lượng chức năng địa phương quan tâm phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn, điều tiết giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Qua đó nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, mất ATGT tại các khu vực công trình thi công trên tuyến giao thông.
Lãnh đạo Thanh tra, Sở GTVT chia sẻ, dù lực lượng của đơn vị ít nhưng đã thường xuyên phối hợp kiểm tra các công trình giao thông đang thi công (tại khu vực đường bộ cũng như đường thủy). Tập trung nhắc nhở, chấn chỉnh đơn vị thi công khi phát hiện các yếu tố mất ATGT, ảnh hưởng hành lang ATGT.