Số ca mắc COVID-19 ở Đông Nam Á đang gia tăng, nhưng không cần hoảng sợ. Ảnh minh hoạ: Reuters/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng những hạn chế trong thời đại dịch như cách ly, phong toả là không cần thiết, bởi các hệ thống chăm sóc sức khoẻ đã sẵn sàng để đối phó với sự gia tăng về số ca nhiễm này.

Cụ thể, ở các nước trong khu vực, như tại Malaysia, Bộ trưởng Bộ Y tế mới được bổ nhiệm Dzulkefly Ahmad mới đây thông tin, chính phủ nước này có thể sẽ công bố các chỉ thị bổ sung để chống lại sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19, trong đó có thể bao gồm yêu cầu tiêm chủng tăng cường, đặc biết đối với những người dễ bị biến chứng bệnh tật nếu mắc COVID-19.

Được biết, từ ngày 13/12, Tổng thư ký Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Muhammad Radzi Abu Hassan đã đưa ra lời khuyên rằng người dân nên đeo khẩu trang khi tụ tập đến những nơi đông người, đặc biệt là khi số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng gần gấp đôi lên 12.757 trường hợp, ghi nhận trong tuần từ ngày 3 - 9/12 so với chỉ một tuần trước đó.

Trong khi đó ở Indonesia, các cơ quan y tế đã kêu gọi người dân hoàn thành việc tiêm chủng ngừa COVID-19 và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.

Tính đến đầu tuần qua, nước này đã ghi nhận tổng cộng 6.223 ca nhiễm COVID-19, tăng 298 trường hợp so với tuần trước.

Theo thông tư do Bộ Y tế Indonesia ban hành, Bộ Y tế kêu gọi các tổ chức tích cực theo dõi các trường hợp mới và đảm bảo có sẵn vaccine tại tất cả các phòng khám y tế của chính phủ để sử dụng ngay khi cần thiết.

Cùng lúc đó, máy quét thân nhiệt đã được lắp đặt tại một số điểm nhập cảnh quốc tế của đất nước, bao gồm Sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta, Sân bay Quốc tế Ngurah Rai ở Bali và Cảng Quốc tế Batam.

Cũng trong khu vực Đông Nam Á, tại Thái Lan, số ca nhập viện vì COVID-19 tăng mạnh nhất vào tuần trước, với 590 trường hợp kể từ tháng 7. Cùng thời gian, tổng cộng 5 trường hợp tử vong vì bệnh đã được ghi nhận.

Tuy các chuyên gia y tế vẫn tin tưởng rằng COVID-19 đã có thể được quản lý tốt hơn trong thời điểm hiện tại, nhưng họ vẫn nhấn mạnh rằng người già và những người dễ bị tổn thương phải tiếp tục cảnh giác.

Cần trách nhiệm cá nhân

Giữa lúc nổi lên nhiều lời kêu gọi từ một số khu vực nhất định nhằm áp đặt một số khuôn khổ hạn chế chống dịch đã được sử dụng trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành đỉnh điểm, các chuyên gia vẫn cho rằng chính quyền không cần phải quá khắt khe như vậy.

Tuy nhiên, họ vẫn nhấn mạnh rằng công chúng phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của mình để giữ an toàn cho bản thân và hạn chế lây lan xung quanh, đơn cử như hoàn thành việc tiêm chủng hoặc đeo khẩu trang khi ở nơi đông người.

Trước đó, vào ngày 15/12, Cựu Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin và Thứ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia Ong Kian Ming cho biết trong một tuyến bố rằng chính phủ cần khôi phục khuôn khổ Kiểm dịch, Báo cáo, Cách ly, Thông báo, Tìm kiếm (TRIIS) để chuẩn bị tinh thần cho Malaysia trong nỗ lực ứng phó với những làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.

Ngoài ra, họ cũng kêu gọi Bộ Y tế Malaysia kích hoạt lại chương trình tiêm chủng của đất nước thông qua các cơ sở y tế tư nhân và cộng đồng, đồng thời nên khởi động lại việc sử dụng ứng dụng di động MySejahtera (ứng dụng được chính phủ nước này phát triển để hỗ trợ quản lý các đợt dịch COVID-19) nhằm theo dõi bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Trong một diễn biến có liên quan, Nhà dịch tễ học, Giáo sư, Tiến sĩ Moy Foong Ming thuộc Khoa Y tế Dự phòng và Xã hội của Đại học Malaya cho biết, các biện pháp khắt khe được sử dụng trong thời kỳ đại dịch vừa qua là không cần thiết, bởi hầu hết người dân đã tiêm ít nhất hai mũi vaccine phòng bệnh. Hiện tại biến thể Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ. Nếu xuất hiện một biến thể mới gây ra các triệu chứng nghiêm trọng thì có thể nghĩ đến việc xem xét triển khai áp dụng một số hạn chế, nhưng hiện tại thì không cần hoảng sợ.

Dù vậy, Giáo sư, Tiến sĩ Moy Foong Ming vẫn kêu gọi trách nhiệm cá nhân và đặc biệt là người già, cũng như người có khả năng miễn dịch kém hãy đeo khẩu trang và tiêm vaccine tăng cường. Bởi nếu bị nhiễm bệnh, họ có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng.

Giáo sư Moy cũng chia sẻ thêm rằng số ca nhiễm tăng đột biến hiện nay sẽ không phải là lần duy nhất và sẽ còn nhiều trường hợp khác trong tương lai, nhất là khi việc đi lại sẽ tăng lên trong kỳ nghỉ lễ cuối năm. Khi một căn bệnh được coi là đặc hữu, virus vẫn ở quanh chúng ta và chúng ta vẫn tồn tại với nó.

Vì vậy, trách nhiệm cá nhân cơ bản phải được đặt ra và thực hiện bất kỳ khi nào có nguy cơ lây nhiễm xuất hiện.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)