Phụ nữ và trẻ em Syria trong một khu trại tị nạn. Ảnh: AFP/Baogiaothong |
Với sự tham dự của hơn 4.200 đại biểu đến từ 168 quốc gia, diễn đàn năm nay đã đạt được hơn 1.600 cam kết, cao hơn nhiều so với diễn đàn năm 2019.
Trong bài phát biểu bế mạc, Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi cho biết, điều ấn tượng ở diễn đàn năm nay không chỉ là số lượng cam kết đạt được mà còn là chất lượng của các cam kết, bao gồm những biện pháp cụ thể và cam kết chung mà thế giới hứa hẹn thực hiện để phục vụ người tị nạn và những nước tiếp đón họ.
Ông Grandi cũng đưa ra lời kêu gọi “rất đặc biệt” về việc hỗ trợ Cơ quan LHQ về hỗ trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), đồng thời nói rằng, những nhu cầu cấp thiết cho người dân ở Gaza cần phải được tài trợ đầy đủ.
Đáng chú ý, song song với các cam kết tài chính có tổng trị giá hơn 2,2 tỷ USD, các nước cũng đồng ý sẽ tái định cư 1 triệu người tị nạn đến năm 2030, được hỗ trợ bởi một quỹ tài trợ toàn cầu mới. Quỹ này nhằm mục đích hỗ trợ thêm 3 triệu người tị nạn tiếp cận các nước thứ ba, thông qua các chương trình tài trợ cộng đồng sáng tạo.
Nguồn lực hỗ trợ đối mặt áp lực lớn
Bên cạnh những cam kết đạt được, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo rằng “các nguồn lực hỗ trợ người tị nạn đang chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là ở phía Nam bán cầu - nơi tiếp tục đón nhận đại đa số người tị nạn”.
Theo Tổng thư ký Guterres, “cơn ác mộng” nhân đạo từ Sahel, Afghanistan, Syria và Yemen cho đến Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar và Somalia, cùng với “sự tàn phá kinh hoàng mà chúng ta đang chứng kiến” tại Gaza, đã khiến số người phải di dời tăng cao lên mức kỷ lục 114 triệu người trong năm 2023.
Trước tình hình đó, “việc bảo vệ và giúp đỡ những người tị nạn không nên là một trò may rủi hay một gánh nặng không cân xứng đổ lên vai một số quốc gia và cộng đồng dựa trên vị trí địa lý của họ”, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh và khẳng định “đó là nghĩa vụ cần được chia sẻ bởi toàn thể nhân loại”.
Từ đó, Tổng thư ký Guterres kêu gọi các quốc gia tiếp tục hưởng ứng sự hào phóng của các nước và cộng đồng sở tại bằng sự đoàn kết và hỗ trợ quốc tế lớn hơn nhiều ở cấp khu vực và toàn cầu, nhấn mạnh rằng thế giới phải tạo điều kiện hòa bình để người tị nạn có thể trở về nhà an toàn.
“Những thành tựu ở diễn đàn năm nay đang thổi sức sống mới vào những cam kết của Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn khi không chỉ hỗ trợ người tị nạn mà còn giảm bớt áp lực lên các nước sở tại, và giải quyết ngay từ đầu các vấn đề mang tính hệ thống khiến người dân phải di dời”, ông Guterres cho biết.
Diễn đàn Người tị nạn Toàn cầu là hội nghị quốc tế lớn nhất về các vấn đề người tị nạn, được tổ chức 4 năm một lần.
Với số lượng người tị nạn ngày càng tăng do xung đột vũ trang, áp lực môi trường và thiên tai, cùng nhiều yếu tố khác, diễn đàn năm nay đặt mục tiêu giải quyết số lượng lớn các vấn đề quốc tế đang ngày càng gia tăng.