Khẩu sơn pháo 75 ly nhả đạn, báo hiệu cho cuộc tấn công, bao vây quân Pháp tại Huế năm 1946 |
Để ngăn không cho xe tăng địch tràn sang bờ bắc sông Hương, ngay trong đêm ấy, Chỉ huy Mặt trận Huế đã quyết định đánh sập cầu Trường Tiền. Đơn vị được giao nhiệm vụ thực thi là Đại đội Công binh của Trung đoàn Trần Cao Vân do ông Lê Vừa làm Đại đội trưởng.
Theo Cựu chiến binh Phan Quốc Sắc (nguyên Giám đốc Công ty Vật tư kỹ thuật tổng hợp Bình Trị Thiên), sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế - Ecole Pratique D’Industry de Hué, tháng 9/1945, cả ông Sắc và ông Vừa cùng gia nhập Giải phóng quân Huế và trở thành cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Trần Cao Vân do ông Hà Văn Lâu làm Trung đoàn trưởng.
Khi chiến sự nổ ra, theo phân công, Đại đội Công binh được giao nhiệm vụ đánh sập các cầu, ngăn xe tăng và quân chi viện, tạo điều kiện để bộ đội, tự vệ bao vây và tiến công quân Pháp đồn trú trong 20 vị trí từ cầu Trường Tiền đến cầu An Cựu, lúc bấy giờ gọi là Khu B.
Nếu bộ binh được trang bị vũ khí tịch thu từ các kho của binh sĩ Pháp và Nhật thì công binh phải tự “xoay xở" vật liệu nổ để chế tạo bom, mìn. Khi biết ở Phú Lộc có 3 quả thủy lôi do quân đội phát xít Nhật để lại, ông Lê Vừa cùng đồng đội đã về vùng biển Lăng Cô trục vớt rồi sau đó đưa lên Huế biến số vũ khí này phục vụ cho mục đích của mình.
Do cầu Trường Tiền luôn có một tiểu đội lính Pháp canh gác nên để chuyển 1 quả thủy lôi nặng 500kg và trái bom dự phòng chứa 100kg thuốc nổ đến đúng mục tiêu dự định, hai ông Lê Vừa và Trần Bòn đều cải trang thành dân chài, đợi đêm xuống mới tiếp cận trụ cầu để đặt thủy lôi và bom.
Đúng 2h30 rạng sáng 20/12/1946, từ Kỳ Đài Huế, khẩu sơn pháo 75 ly hướng nòng về phía Trường Khải Định - Quốc Học điểm hỏa, báo hiệu cuộc tấn công của Trung đoàn Trần Cao Vân và Tự vệ Huế vào 20 vị trí đóng quân của Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 23 và Đại đội thiết giáp số 6 của quân Pháp bắt đầu thì cũng là lúc ở dưới chân cầu Trường Tiền, Đại đội trưởng Lê Vừa và chiến sĩ Trần Bòn điểm hỏa.
Quả thủy lôi phát nổ làm rung chuyển cả thành phố. Vài thứ ba của cầu Trường Tiền đổ sập nhưng sức công phá của khối thuốc nổ cũng đã làm cho ông Lê Vừa và ông Trần Bòn bị thương.
Việc ông Lê Vừa bị thương làm đồng đội ông nhớ lại câu chuyện trước đó, bởi chính ông là người đã tự chặt ngón tay cái của mình thề báo thù cho người em Lê Văn Mười đã bị quân Pháp sát hại.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Mười cùng tự vệ thành phố Huế được giao nhiệm vụ canh giữ số binh sĩ Pháp trước đó đã bị Nhật quản thúc ở Trường Providance - Thiên Hựu. Trưa đó, đang trên đường đi học về, bà thấy một chiếc máy bay thả một thùng hàng xuống trường Thiên Hựu. Binh sĩ Pháp liều lĩnh ùa đến nhận. Khi biết đó là vũ khí, tự vệ Huế can ngăn nhưng không được buộc họ phải nổ súng. Hai bên giao tranh và Tự vệ thành Lê Văn Mười hy sinh. Đứng bên linh cữu của em, ông Lê Vừa rút dao găm, đặt bàn tay trái lên chiếc quan tài, tự chặt đứt ngón trỏ rồi hét vang:
- Phải diệt quân xâm lược!
Thực hiện lời thề đó, ông Lê Vừa đã trở thành người thương binh đầu tiên của Mặt trận Huế trong những ngày đầu của toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược!
Sau hơn một tháng tấn công, Ban chỉ huy Mặt trận Huế chủ trương rút những đơn vị ở khu B ra ngoài nhằm tiến hành bao vây và làm tiêu hao ý chí, lực lượng quân Pháp.
Theo Chính trị viên Đại đội Cảm tử Nguyễn Phước, lúc này ông được điều sang làm Chính trị viên cho Đại đội của ông Nguyễn Đổng - Hoàng Ngọc Diêu thuộc Tiểu đoàn 17 đảm nhiệm tác chiến ở Khu C - từ An Cựu lên cầu ga Huế. Đơn vị ông chốt ở cung An Định nhằm khống chế binh sĩ Pháp đang đồn trú ở nhà L’Accueil nằm trên đường Nguyễn Huệ hiện nay. Nhằm phá thế bị bao vây, từ nhà L’Accueil, được xe thiết giáp yểm trợ, quân Pháp chiếm một ngôi nhà cạnh quốc lộ I.
Tại đây quân Pháp thiết lập công sự kiên cố và bố trí hệ thống lỗ châu mai liên hoàn khống chế các mũi tấn công của quân ta. Do vậy, muốn xóa được ổ đề kháng này, theo lời của Chính trị viên Nguyễn Phước, mấu chốt vẫn là phải diệt cho được khẩu đại liên ở trong công sự.
Rút kinh nghiệm những đợt tập kích bất thành trước đó, lần này Đại đội của ông Nguyễn Đống cử 2 Trung đội phối hợp tấn công.
Mũi trước do Trung đội trưởng Lê Thọ chỉ huy đánh vỗ mặt, trực tiếp thu hút hỏa lực địch tạo điều kiện để mũi sau do Chính trị viên Trung đội Nguyễn Thâm áp sát công sự tiêu diệt ổ súng máy ở giữa nhà, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong tiêu diệt cái chốt này.
Sau khi nổ súng, mũi phía sau đã xâm nhập vào bên trong nhưng thương vong nhiều mà nguyên nhân chủ yếu là do khi quân ta thò tay thả lựu đạn vào công sự, địch đã chụp và ném trả lại, lựu đạn nổ làm nhiều chiến sĩ hy sinh.
Trong khi đó từ nhà L’Accueil, quân Pháp nã đạn cối vào đội hình của quân ta.
Trước tình thế đó, Chính trị viên Nguyễn Thâm xung phong, quyết hủy cho bằng được ổ đại liên của địch.
Một quả lựu đạn dúi vào ổ châu mai; ông Nguyễn Thâm chưa kịp mở tay cho mỏ vịt bung ra thì đã bị một binh sĩ Pháp ở trong công sự đẩy ra. Tiếp tục thực hiện lần hai nhưng không thành.
Theo lời kể của ông Nguyễn Phước, đến lần thứ ba - lần cuối cùng “Thâm mở hẳn bàn tay đưa theo cả quả lựu đạn nóng bỏng đang xì khói vào, thằng Tây hoảng quá bỏ chạy nhưng không kịp. Quả lựu đạn nổ tung diệt gọn cả ổ súng máy trong công sự”.
Ổ đề kháng của quân Pháp bị diệt nhưng bàn tay của Chính trị viên Nguyễn Thâm bị mảnh lựu đạn băm nát, đơn vị phải chuyển ông sang Quân y viện Mang Cá cắt bỏ.
Khâm phục hành động dũng cảm của Chính trị viên Nguyễn Thâm, Nhân dân và đồng đội gọi ông là “tướng gan lỳ”!