Điểm check-in ở gần khu vực cầu ngói Thanh Toàn |
“Con dao hai lưỡi”
Những ngày qua, dư luận chia hai luồng ý kiến tranh cãi trước hình ảnh các điểm check-in mới gần khu vực cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, TX. Hương Thủy). Các điểm check-in này dựng trên các khung sắt, với nhiều màu sắc dễ khiến mọi người chú ý. Nhiều ý kiến cho rằng, việc có thêm không gian để chụp ảnh lưu niệm phục vụ người dân, du khách đến với di tích cầu ngói Thanh Toàn là cách làm sáng tạo, để khách lưu lại những bức ảnh quảng bá du lịch. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến không đồng tình. Một người thẳng thắn chia sẻ: “Sáng tạo phải phù hợp với việc gìn giữ nét xưa, tránh làm hại du lịch bởi sự rời rạc và sến súa, không hợp với không gian hiện có. Điểm check-in tại các điểm di tích càng phải tránh gây phản cảm”.
Chuyện từ điểm check-in cầu ngói Thanh Toàn khiến tôi nhớ lại những câu chuyện tương tự tại các điểm check-in trong nước từng gây tranh cãi. Điển hình như công trình “tay tiên” tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) khiến nhiều người “ngã ngửa”. Anh H., một giảng viên kiến trúc tại một trường đại học ở Hà Nội đánh giá, công trình này xấu đến mức “sát thương” cảnh quan hùng vĩ của một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng núi phía bắc và không liên quan gì đến văn hóa bản địa. Hay, bức tượng bán thân kích thước lớn của nhân vật Elsa (trong bộ phim hoạt hình Mỹ nổi tiếng “Frozen” - Nữ hoàng băng giá) giữa cảnh quan núi rừng ở thị xã Sa Pa, Lào Cai cũng từng gây tranh cãi trong cộng đồng mạng, vì không ít người cho rằng bức tượng không phù hợp với văn hóa Việt Nam nói chung và bản sắc Sa Pa nói riêng.
Trên thực tế, xu hướng du lịch chụp ảnh check-in đang ngày càng phổ biến, nếu biết khai thác, xây dựng các điểm check-in phù hợp sẽ mang lại hiệu quả quảng bá du lịch cực cao mà không tốn kém nhiều. Mỗi bức ảnh của du khách sẽ lan tỏa, quảng bá cho điểm đến một cách chân thực và tạo được lòng tin cho những du khách khác. Song, việc xây dựng điểm check-in cũng có thể là con dao hai lưỡi, làm hại điểm du lịch nếu hình ảnh phản cảm, không phù hợp với điểm đến. Thực tế từ khi tượng nhân vật Elsa ở Sa Pa được dựng lên, nhiều du khách đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn trên mạng xã hội, trong đó có người khẳng định: “Tôi sẽ không đi Sa Pa cũng vì nhiều thứ phản cảm như thế”.
Trở lại chuyện của cầu ngói Thanh Toàn, ý tưởng, mục đích của việc xây dựng những điểm check-in rõ ràng vì mong muốn phát triển du lịch. Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) khi chia sẻ với báo chí cũng cho biết, địa phương vừa triển khai đặt thêm 5 địa điểm để người dân, du khách có thêm điểm check-in khi đến với di tích cầu ngói Thanh Toàn, những địa điểm này đều nằm ở vòng ngoài của di tích chứ không phải ở vùng lõi nên không phá vỡ cảnh quan. Ý nghĩa của những địa điểm này là tạo thêm điểm nhấn, thêm một sản phẩm mới mà đối tượng hướng đến là giới trẻ. Thay vì đơn điệu chỉ có cầu ngói, các địa điểm này giúp các bạn trẻ có thêm những bức ảnh đẹp đăng tải lên các trang mạng xã hội, từ đó lan tỏa thêm hình ảnh của cầu ngói Thanh Toàn và thu hút thêm nhiều người đến với di tích này. Mục đích của các điểm check-in mới là dễ hiểu, tuy nhiên đánh giá và ý kiến của nhiều du khách mới thực sự quan trọng, là yếu tố mà Thủy Thanh và cả những điểm du lịch khác phải thực sự quan tâm nếu muốn phát triển.
Nghiên cứu kỹ khi xây dựng điểm check-in
Đáp ứng nhu cầu tự thân của du khách trước sự phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi của mạng xã hội, việc xây dựng các điểm check-in cho du khách trở thành công cụ quảng bá rất hữu hiệu cho du lịch. Nhưng rõ ràng, cần một sự nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng, nhất là phải phù hợp với không gian điểm du lịch.
Các đơn vị liên quan, địa phương có điểm đến du lịch cần chủ động chọn hoặc xây dựng biểu tượng cho điểm đến và địa phương; mặt khác cần tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu chụp ảnh, check-in của du khách. Việc xây dựng điểm check-in không ngoài mục đích quảng bá du lịch và thu hút du khách, yếu tố quan trọng không kém là phải quan tâm đến góc chụp. Làm sao để khi đứng ở đây sẽ có góc nhìn toàn cảnh, chụp được bức ảnh đẹp nhất về điểm đến, vừa đủ bao quát được địa điểm, phản ánh được nét đặc trưng, tính biểu tượng của điểm check-in, vừa có bối cảnh, không gian đủ để nhận biết mà nhân vật vẫn rõ, không bị chìm. Điều đó vừa đáp ứng được nhu cầu check-in của du khách, vừa “buộc” du khách khi đưa hình ảnh của mình lên trang cá nhân cũng “phải” đưa cả hình ảnh của điểm đến một cách hài hòa có tính nghệ thuật.
Khi xây dựng điểm check-in, chính quyền địa phương điểm đến, các đơn vị liên quan cần tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan, các kiến trúc sư, tham khảo các mô hình hiệu quả và cả ý kiến của du khách để chọn vị trí xây dựng điểm check-in và kiến trúc phù hợp với không gian điểm đến cũng như tính thẩm mỹ.