Đồng Lâm tập trung phục vụ thị trường nội địa 

Lũy kế tiêu thụ xi măng từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, thị trường nội địa đạt 41,6 triệu tấn giảm 17% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) ghi nhận mức giảm 24,4%, các doanh nghiệp trong hiệp hội giảm 12,9%. Tương tự, thị trường xuất khẩu ghi nhận mức giảm 2% sản lượng, lũy kế đạt 23,5 triệu tấn/9 tháng. Riêng lượng clinker xuất khẩu giảm 30% so cùng kỳ 9 tháng năm 2022.

Sau thời gian đầu tư lớn, ngành công nghiệp xi măng đông châu Á phát triển nguồn cung vượt bậc. Bình quân có thể sản xuất cung cấp trên 1.000kg/người/năm trong khi mức tiêu thụ chỉ loanh quanh 500 – 800kg/người/năm nên thị trường được quyết định chi phối bởi người mua hoặc bên nhập khẩu. Vì vậy, năm 2023 vừa qua Xi măng Đồng Lâm đã tập trung tối đa vào phục vụ thị trường nội địa.

Ông Trần Chấn Lễ, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm chia sẻ, với đặc thù của ngành xi măng Việt Nam, Đồng Lâm hiểu và xác định phát triển bền vững chiến lược cốt yếu. Chúng tôi liên tục cải tiến các quy trình đào tạo nâng cấp giá trị tài sản vô hình, quản trị chất lượng toàn diện, quản trị tổng thể doanh nghiệp, đầu tư cập nhật hạ tầng thiết bị công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng chuyên nghiệp của khách hàng B2B (giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp với nhau).

Sáng tạo hiệu quả để đột phá trong cải tiến giá thành, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tận dụng nhiệt khí thải và hàng loạt các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với các nhà phân phối, trạm bê tông công nghiệp, Đồng Lâm định hướng là doanh nghiệp cung cấp các giải pháp xi măng bê tông. Chúng ta cùng hướng đến những công trình xây dựng xanh bền vững, hiệu quả cho chủ đầu tư và người sử dụng cuối cùng.

Vì vậy, Đồng Lâm luôn nỗ lực phổ biến kiến thức sản xuất bê tông xi măng chuyên nghiệp đến từng phân khúc khách hàng, kèm theo hàng loạt các chương trình đào tạo và tư vấn sử dụng sản phẩm xi măng Đồng Lâm 24/7, hotline hỗ trợ: 0976.657.658.

Với mục tiêu sản xuất, kinh doanh đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng, trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao, Đồng Lâm luôn xem bảo vệ môi trường (BVMT) là nhiệm vụ quan trọng.

Với đặc thù sản xuất có các công đoạn phát sinh bụi, khí thải, tiếng ồn..., từ những ngày đầu hoạt động, Đồng Lâm đã triển khai nhiều giải pháp BVMT. Trong đó, trang bị kho chứa kín, lắp đặt các lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện để thu bụi. Nhà máy đã cải tiến tận dụng nhiệt khí thải để sấy máy nghiền nhằm cắt giảm hoạt động của buồng đốt phụ, giảm phát thải, tiết kiệm chi phí.

Trước hết có thể kể đến là việc đầu tư cải tiến hệ thống tận dụng nguồn nhiệt thải để sấy máy nghiền xi măng thay thế nhiệt từ buồng đốt phụ giảm tiêu hao dầu DO, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát thải.

Dây chuyền công nghệ sản xuất được lựa chọn thiết bị tiên tiến và hiện đại, lò quay theo phương pháp khô với tháp trao đổi nhiệt 5 tầng và buồng phân huỷ TTF tiên tiến có khả năng sử dụng tốt nhiên liệu có phẩm cấp thấp, vận hành hệ thống này giúp tiết kiệm năng lượng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, vận hành giảm phát thải NOx nhằm BVMT.

Để chủ động hơn nữa trong việc xử lý NOx trong khí thải, vừa qua nhà máy tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống khử NOx theo phương pháp SNCR đã bổ sung thêm giải pháp xử lý, nâng cao khả năng xử lý NOx phát thải ra môi trường.

Dự án Dây chuyền nghiền xi măng số 2 được đầu tư lắp hệ thống máy nạp và đóng bao mới của hãng nổi tiếng Haver Boecker của Đức hoàn toàn tự động, cho năng suất cao, giảm phát thải bụi tối đa trong quá trình vận hành. Đáng chú ý là hệ thống nạp vỏ bao tự động thay thế con người, giảm tác động môi trường bụi đến sức khỏe người lao động, nhất là khu vực đóng bao.

Trong suốt quá trình hoạt động, các nhà máy xi măng nói chung và Đồng Lâm đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng, lãnh đạo các cấp, các đối tác và nhà cung ứng.

Trong giai đoạn nhiều thách thức như hiện nay, Đồng Lâm vẫn tiếp tục đóng góp vào cộng đồng và mong tiếp tục nhận được các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ như duy trì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2024, nhằm hỗ trợ tiêu dùng toàn xã hội. Lãnh đạo đầu ngành xem xét đề xuất giảm thuế xuất khẩu clinker về mức 5% hoặc tạm hoãn đánh thuế xuất khẩu để giảm áp lực cạnh tranh giá quốc tế đối với clinker xuất khẩu từ Việt Nam.

Có chính sách tài trợ vốn, lãi suất ưu đãi phù hợp với doanh nghiệp có năng lực sản xuất kinh doanh vượt trội, có giá trị thương hiệu bền vững để cải thiện hơn nữa khả năng cạnh tranh, giảm giá thành.

Ngành công thương thường xuyên hơn nữa tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên sâu trong và ngoài nước để quảng bá ngành vật liệu xây dựng Việt Nam.

Chính quyền các cấp kiến tạo điều kiện hợp quy để người dân thu nhập thấp sở hữu nhà ở xã hội. Sớm "rã đông" thị trường bất động sản nói chung và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực miền Trung phát triển.

Bài, ảnh: Trần Nguyên