Thầy và trò Trường THCS - THPT Hồng Vân,  A Lưới  

Đến Trường THCS – THPT Hồng Thủy (Hồng Thủy, A Lưới), tôi gặp thầy Nguyễn Văn Sinh. Người thầy có hơn 30 năm gắn bó với học sinh miền núi hào hứng kể, ra trường năm 1991, ông quyết định đến Hồng Thủy để nhận công tác. Hồi ấy, trường lớp ở đây tạm bợ, địa hình hiểm trở, nhất là mùa mưa dai dẳng. Sau giờ học, thầy và trò cùng nhau đi bắt cá, hái măng rừng để cải thiện, mà lắm hôm, bữa ăn chỉ có cơm và vài con cá mắm. Các trường không có nước sinh hoạt, chủ yếu tích trữ nước mưa để dùng. Thời điểm ấy, nhiều người lên được vài tháng không trụ được đành bỏ ngang, hoặc về lại vùng xuôi tìm công việc khác.

Cũng giống như ngôi trường của thầy Sinh, Trường THCS - THPT Hồng Vân có 546 học sinh với gần 50 giáo viên. Trên 90% học sinh là con em dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy… đến từ các xã Trung Sơn, Hồng Vân, Hồng Thủy. Nhiều học sinh nhà cách xa trường trên 30 cây số. Thế nên, không ít em phải nhịn đói, đi bộ vượt hàng chục cây số để đến trường. Vào mùa mưa lạnh, khó khăn gấp bội, bởi đường bùn lầy, nguy cơ sạt lở cao nên “con chữ” cứ rơi rụng dần.

Không bỏ cuộc, giáo viên vùng cao luôn trăn trở, tìm cách đưa con chữ gần hơn với học sinh dân tộc ít người. Họ đến từng làng, vào từng nhà, tranh thủ sự hỗ trợ của các già làng để động viên học sinh đến lớp. Thậm chí, nhà trường còn trích tiền mua gạo giúp các em bớt nhọc nhằn gian khó. “Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng được cái rất ngoan, biết nghe lời và sống tình cảm. Đó cũng là lý do khiến giáo viên lên A Lưới khó lòng “về xuôi” được. Họ thấu cảm điều kiện khó khăn của học trò trong hành trình đến lớp”, Thầy giáo Hoàng Văn Liêm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Vân cho biết.

Tôi hiểu điều này khi có hàng chục giáo viên với tình yêu thương học trò miền núi, lòng yêu nghề, họ xác định quyết tâm ở lại, định cư và lập gia đình. Họ gắn bó cả cuộc đời nơi núi rừng miền Tây, với ước nguyện gieo chữ cho những học sinh nghèo đến lúc nghỉ hưu. Nhờ đó, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi A Lưới đạt được nhiều kết quả khởi sắc.

Ông Hồ Văn Khởi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho hay, toàn huyện có 48 cơ sở giáo dục với gần 1.400 cán bộ và 14.500 học sinh. Đời sống của đội ngũ giáo viên cơ bản ổn định và đã an cư lạc nghiệp. Nhất là những năm gần đây chế độ tiền lương cho giáo viên vùng cao đã được Nhà nước quan tâm. Chính điều này đã giảm hẳn tình trạng giáo viên xin chuyển về xuôi mà ngược lại nhiều giáo viên  trẻ ở TP Huế và các huyện có nhu cầu xin lên A Lưới dạy học.

Nhiều giáo viên cho rằng, Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề xuất với Chính phủ có những chính sách phù hợp với vùng miền, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của giáo viên vùng cao. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ về đất đai hay nhà công vụ cho giáo viên. Từ sự quan tâm này sẽ tạo môi trường làm việc thuận lợi để họ yên tâm gắn bó lâu dài ở miền núi.

Bài, ảnh: An Nhiên