TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh |
TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh – Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế đã nhận định như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần sau khi Hội An (Quảng Nam) và Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa được công nhận là thành viên của UCCN vào cuối tháng 10/2023. Với trường hợp của Huế, TS. Tâm Hạnh cho rằng: “Một khi trở thành thành viên của UCCN, Huế có cơ hội đặt mình trên bản đồ thế giới bằng tài sản văn hóa và sức sống của mình, có nhiều cơ hội hơn trong kết nối với các chương trình nghị sự và hợp tác toàn cầu về phát triển bền vững”.
Thưa chị, sau Hà Nội bây giờ đến Hội An và Đà Lạt được công nhận là thành viên UCCN. Vậy cơ hội và tiềm năng nào cho Huế trong quá trình trở thành thành viên mạng lưới này?
UCCN được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Không chỉ Hà Nội, Hội An và Đà Lạt, theo tôi được biết TP. Hồ Chí Minh cũng đã có những bước khởi động đầu tiên đề gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UCCN, một chương trình quốc tế mà cho đến nay đã có 350 thành phố thành viên thuộc hơn 100 quốc gia.
Và, chúng ta biết rằng, thành phố sáng tạo luôn lấy sự sáng tạo làm động lực cho sự phát triển. Ở đó, các hoạt động văn hóa và sáng tạo thuộc nhiều loại hình khác nhau là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh tế và xã hội của thành phố. Huế không có nhiều tiềm lực về tài chính, nhưng Huế có một vị thế lịch sử hết sức đặc biệt, do đó, Huế có rất nhiều lợi thế so với nhiều thành phố khác về sự dồi dào của vốn văn hóa. Huế cũng là trung tâm giáo dục của miền Trung, là nơi hội tụ của tầng lớp trí thức, nghệ sĩ. Đặc biệt, Huế ngày càng cởi mở trong xây dựng các chính sách khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo. Thể hiện rõ nhất là chúng ta đã có 5 năm triển khai diễn đàn “Huế - Sáng tạo để phát triển bền vững”, với các chủ đề đa dạng từ công nghệ thông tin, kinh tế xanh, phát triển bền vững, giao thông xanh, công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đây chính là những nền tảng rất quan trọng để Huế có thể phát triển theo hướng sáng tạo cũng như gia nhập vào mạng lưới của UCCN.
Ngoài ra, Quyết định số 1395/QĐ-BVHTTDL ngày 16/4/2021 phê duyệt kế hoạch xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xác định Huế là một trong những thành phố tiềm năng của Việt Nam.
Để trở thành thành viên UCCN, cần phải đáp ứng những tiêu chí, trải qua những quy trình ra sao?
UCCN bao gồm 7 lĩnh vực sáng tạo khác nhau: Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Thiết kế, Phim, Nghệ thuật Ẩm thực, Văn học, Nghệ thuật Truyền thông, Âm nhạc. Các tiêu chí cho mỗi lĩnh vực trên đây là không giống nhau. Căn cứ vào lĩnh vực mà thành phố định đăng ký tham gia để tham chiếu với các chỉ tiêu mà UCCN đưa ra. Tuy nhiên, dù lĩnh vực nào thì để trở thành thành viên của UCCN, các thành phố phải xây dựng hồ sơ ứng cử để trình lên UCCN.
Quá trình chuẩn bị hồ sơ mà Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia đã hỗ trợ các thành phố của Việt Nam gia nhập UCCN bao gồm các bước: Thành lập ban điều hành, đầu mối liên lạc và ban tư vấn chuyên môn (có thể là Phòng Văn hóa thành phố, Phòng Di sản thuộc Sở Văn hóa, Thể thao, Trung tâm Văn hóa thông tin); Nghiên cứu, lập bản đồ tài sản văn hóa (nghiên cứu tổng thể và lập bản đồ tất cả tài sản văn hóa, sáng tạo và tiềm năng của thành phố); Xây dựng chiến lược trung hạn và kế hoạch 4 năm nhằm thực hiện các mục tiêu của mạng lưới.
Chiến lược này đồng thời đề xuất ngân sách phù hợp, nguồn tài trợ cũng như khả năng thực hiện kế hoạch hành động. Ngoài ra, cần phải chuẩn bị một thư chính thức của Chủ tịch thành phố đệ trình hồ sơ đăng ký, 2 thư ủng hộ chính thức từ các hiệp hội nghề nghiệp lớn của quốc gia trong lĩnh vực sáng tạo mà thành phố đang nộp hồ sơ và Thư ủng hộ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Điểm lưu ý là ở mỗi đợt xét duyệt, Ủy ban Quốc gia của quốc gia thành viên UNESCO chỉ có thể hỗ trợ tối đa hai đơn đăng ký trong hai lĩnh vực sáng tạo khác nhau của một quốc gia.
Ngoài đầy đủ hồ sơ theo định chuẩn của UCCN, để hồ sơ có chất lượng, quá trình xây dựng hồ sơ phải đảm bảo được sự tham gia tích cực của các bên liên quan, làm nổi bật tài sản văn hóa và sức sáng tạo của thành phố, thể hiện được sự cam kết lâu dài đối với nhiệm vụ và mục tiêu của UNESCO cũng như của UCCN…
Được biết mục tiêu ứng cử mà Huế đang hướng tới đó là lĩnh vực Thủ công và nghệ thuật dân gian, Ẩm thực. Nếu ưu tiên một trong hai lĩnh vực, theo chị Huế nên chọn lĩnh vực nào?
Dù là thủ công và nghệ thuật dân gian hay Ẩm thực, về mặt cảm tính, có thể thấy rằng Huế đều có tiềm năng. Tuy nhiên, việc ưu tiên lĩnh vực nào cần tính toán nhiều yếu tố với sự nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan và đặt trong sự phát triển mang tính tổng thể, chiến lược của thành phố. Cũng cần lưu ý rằng, một thành phố có thể tham gia vào UCCN không chỉ một mà có thể nhiều lĩnh vực khác nhau, và cũng có thể thay đổi lĩnh vực mà mình muốn đăng ký.
Quá trình xây dựng hồ sơ, Huế cần tham khảo hoặc tận dụng sự hỗ trợ từ 3 thành phố ở Việt Nam cũng như một số thành phố khác trên thế giới đã được công nhận không?
Đây là việc cần làm và trên thực tế, trong quá trình xây dựng hồ sơ, các thành phố thường tổ chức hội thảo, hội nghị ở quy mô quốc quốc gia và quốc tế. Ngoài lấy ý kiến không chỉ của cộng đồng địa phương, các đối tượng liên quan trực tiếp đến lĩnh vực sáng tạo đăng ký thì sự tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các thành phố trong mạng lưới UCCN là hết sức quan trọng. Họ sẽ chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của hồ sơ, những điều cần bổ sung, chỉnh sửa, những kinh nghiệm mà họ đã trải qua, kể cả kinh nghiệm thất bại. Từ đó, hồ sơ sẽ có chất lượng hơn và đây cũng là cách để tranh thủ sự ủng hộ, tạo sự kết nối với thành viên mạng lưới UCCN.
Vậy ngay từ bây giờ, Huế cần phải làm gì để sớm đạt được điều đó?
Hiện nay, Huế trong quá trình hoàn thành các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và dự kiến sẽ đạt mục tiêu vào thời điểm năm 2025. Sẽ lý tưởng nếu như giữa năm 2025 Huế đệ trình đơn gia nhập UCCN, nếu mọi thứ suôn sẻ, thì việc xét duyệt và công nhận sẽ rơi vào cuối tháng 10 cùng năm.
Ngay từ bây giờ chúng ta cần phải có chủ trương thống nhất và triển khai ngay những bước đầu tiên. Đó là thành lập ban điều hành phụ trách xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo cho Huế, tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ tài sản văn hóa với sự tham gia của các chuyên gia địa phương và quốc gia, để từ đó, xác định các tiềm năng và chọn lựa lĩnh vực ưu tiên. Việc thu thập thông tin, soạn thảo hồ sơ mất khá nhiều thời gian và cần có sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Do đó, nếu thực sự có quyết tâm đưa Huế gia nhập UCCN thì việc thống nhất chủ trương, khởi động những bước đầu tiên càng sớm sẽ càng thuận lợi cho các bước tiếp theo.