Trước khi hạn chế xuất khẩu hành tây, New Delhi cũng đã hạn chế xuất khẩu gạo, đường và lúa mì. Ảnh minh họa: TTXVN/Báo Tuổi trẻ Online 

Theo đó, từ ngày 8/12, quốc gia xuất khẩu hành lớn nhất thế giới đã cấm xuất khẩu hành tây sau khi giá hành trong nước tăng hơn gấp đôi trong 3 tháng qua do sản lượng giảm.

Hiện tại, những người mua sắm bán lẻ từ Kathmandu (Nepal) đến Colombo đang phải vật lộn với mức giá mua vào rất cao, bởi những người mua truyền thống châu Á, như từ Bangladesh, Malaysia và Nepal, thậm chí là cả Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều dựa vào nguồn nhập khẩu từ Ấn Độ để thu hẹp khoảng cách thiếu hàng trong nước.

Mousumi Akhtar, một người dân ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh chia sẻ: “Hầu hết mọi món ăn chúng tôi nấu ra đều cần hành. Việc tăng giá hành đột ngột là khó chấp nhận. Tôi đã phải cắt giảm lượng hành cần mua”.

Được biết, rất nhiều người tiêu dùng châu Á đã và đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp hành của Ấn Độ để tạo thêm gia vị cho các món ăn yêu thích.

Các thương nhân ước tính, Ấn Độ chịu trách nhiệm cho hơn một nửa trong tổng lượng hành tây nhập khẩu bởi các nước châu Á. Thời gian vận chuyển ngắn hơn so với các nhà xuất khẩu khác như Trung Quốc hay Ai Cập là chìa khoá để bảo quản hương vị của mặt hàng dễ hỏng này.

Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 2,5 triệu tấn hành, với 671.125 tấn được xuất sang Bangladesh, người mua lớn nhất của Ấn Độ.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn hành, Bangladesh đang cố gắng tìm và nhập thêm hàng từ Trung Quốc, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Bangladesh diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới, chính phủ sẽ bắt đầu bán hành với ưu đãi trợ giá cho người nghèo, với hi vọng bù đắp cho mức giá tăng hơn 50% sau lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm này của Ấn Độ.

Nepal thậm chí còn đối mặt với tình hình thiếu hàng nghiêm trọng hơn. Kể từ sau khi Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu hành, chính phủ đã theo dõi nguồn cung ở nhiều nơi khác và hiện không có hành được bán trên thị trường nước này.

Ajit Shah, một nhà xuất khẩu Ấn Độ cho biết, kể từ khi nước này rời khỏi thị trường, các quốc gia nhập khẩu phải đối mặt với nguồn cung đắt hơn khi mua hành từ Trung Quốc, Iran, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Song nếu lệnh cấm ở Ấn Độ kéo dài, tất cả đều sẽ hết nguồn cung.

Riêng tại thị trường Ấn Độ, trong vòng một tuần kể từ sau lệnh cấm, giá hành tây đã rẻ hơn 20% nhờ nguồn cung từ vụ mùa mới. Hiện nay, với nguồn cung quá đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhà xuất khẩu Ajit Shah cho rằng Ấn Độ nên cho phép xuất khẩu để duy trì vị thế trên thị trường toàn cầu.

Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng lệnh cấm khó có thể được nới lỏng hoặc huỷ bỏ trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, vì ưu tiên của chính phủ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là giữ giá thực phẩm ở mức thấp. Trước đó, New Delhi cũng đã hạn chế xuất khẩu gạo, đường và lúa mì.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ Devdiscourse)