Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì.
Thông tin tại hội nghị cho biết, Đề án 06 có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, bởi chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. Có thể nói, một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06.
"Sau 2 năm thực hiện, Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, "tham nhũng vặt"; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tỉnh đề xuất bổ sung thêm 20 mô hình
Tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, sau 2 năm qua, trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã đề xuất với Bộ Công an 26 mô hình điểm, đề xuất với Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ để Bộ Công an bổ sung, thêm mới 20 mô hình, đưa tổng số mô hình triển khai trên địa bàn tỉnh lên 46 mô hình.
Ông Phương cho biết, đến nay, tỉnh đang từng bước nhân rộng 38/46 mô hình và đạt được nhiều kết quả.
Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện việc khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và ứng dụng VneID; triển khai giải pháp tự động hóa tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, đồng thời đã triển khai mô hình kiểu mẫu tại các chung cư, khu đô thị nhằm hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công, cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử; hoàn thành kết nối hệ thống thông tin của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó triển khai được nhiều dịch vụ khác ngoài dịch vụ công. Tiến hành xác thực, chuẩn hóa tài khoản công dân số của tỉnh (tài khoản ứng dụng Hue-S) với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm tiền đề quan trọng để tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả các tiện ích, chức năng của ứng dụng Hue-S phục vụ triển khai các mô hình Đề án 06…
Tỉnh cũng đã xây dựng, triển khai tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến, tích hợp chữ ký số, thanh toán điện tử, kho dữ liệu hồ sơ cá nhân trên ứng dụng di động Hue-S; triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội bằng nguồn ngân sách Nhà nước tại 137/141 xã, phường, thị trấn, đạt tỉ lệ 97,16%; 100% trường học thu học phí và các khoản thu hợp pháp khác bằng hình thức không dùng tiền mặt…
“Để đạt được những kết quả đó, ngoài tính chủ động của tỉnh, các cơ quan Trung ương đã hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt là các hướng dẫn của Bộ Công an”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định
Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả trong quá trình triển khai Đề án 06 |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Phương cũng đã nêu một số hạn chế, vướng mắc.
Cụ thể như, đối với các mô hình có sử dụng giải pháp xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip và xác thực khuôn mặt, phí dịch vụ các gói dịch vụ xác thực khá cao, gây khó khăn trong triển khai nhân rộng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Việc triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID tại Thừa Thiên Huế còn chậm tiến độ. Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ triển khai các mô hình chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành để đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên chưa đáp ứng tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”, gây khó khăn trong quá trình triển khai các mô hình. Hệ thống thông tin tỉnh vẫn chưa kết nối hệ thống phân tích, thống kê, báo cáo trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư...
Nêu đề xuất tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành văn bản quy định về miễn, giảm thu phí dịch vụ các gói xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip và xác thực khuôn mặt để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư trang bị và sử dụng. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn về chuẩn hóa, xác thực các cơ sở dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ Thừa Thiên Huế sớm triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID. Đối với việc triển khai 3 mô hình phân tích, thống kê, báo cáo trên nền tảng cơ sở dữ liệu về dân cư, đề nghị tổ công tác triển khai Đề án Chính phủ và Bộ Công an sớm hỗ trợ giải pháp kỹ thuật, có phương án kết nối để sớm triển khai”, ông Phương nói.