Đó là người bà con của tôi, hơn tôi đúng một giáp - chú Th. Học hết tiểu học trường làng, về Bao Vinh thi đệ thất (tức lớp 6 ngày nay) bị rớt, ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng cho đến nay, nổi trội vì trí nhớ tốt, được dân làng gọi bằng "Ông" khi tuổi đời còn rất trẻ, bởi vì biết nhiều chuyện, từ chuyện “trên trời dưới đất” thuở xa xưa mà bậc cha ông không tường đến chuyện hiện tại. Chú tự hào: lúc nhỏ, nghe người lớn nói chuyện, đôi ba lần là nhập tâm, sau trở thành thói quen, nhập tâm những điều mắt thấy, tai nghe… Các cặp câu đối ở đình, chùa, miếu mạo của làng, viết bằng chữ Hán, chú thuộc và đọc, giải nghĩa vanh vách, thế đất Long Kỳ của làng nằm ở đâu, Cửu khúc Long châu - theo dân làng, con hói chảy quanh làng uốn lượn như thân rồng chín khúc - là những chỗ nào, chú đều chỉ dẫn tường tận; làng có bao nhiêu họ, họ nào có nhà thờ, dân số khoảng mấy… chú đều nắm rõ. Ngay vị trí bốn ngôi đình phường bị hư hại đổ nát trước 1946, khi chú chưa sinh, chú cũng rành; bao câu hò, điệu hát từ thời kháng chiến chống Pháp chú còn nhớ…

 Đường vào làng Triều Sơn Tây. Ảnh: MC

Có thể nói, không có gì thuộc về làng, xã mà xa lạ với chú. Có điều, có lĩnh vực chú nhớ hơi khác người như nhớ tuổi tác, năm mất, mộ phần của rất nhiều người dưng trong làng! Đôi khi, đang vui chuyện, chú chợt ngừng lại rồi bảo, giọng bâng quơ: ngày ni là kỵ ông, bà… Bất cứ chuyện gì, dù trong hay ngoài gia tộc, dân làng hay đến tìm chú. Với tôi, ba lần hỏi chuyện xưa, nghe chú giải đáp, nhận thấy ở chú là một người nặng lòng với quá khứ, quan tâm từ những chuyện nhỏ nhặt, thiết tha với bà con lối xóm…, lan tỏa tình yêu quê hương sâu đậm cho người tiếp xúc, để lại trong tôi ấn tượng khó quên.

Còn nhớ ngày đất nước thống nhất, cha con tôi vào quê trên chuyến xe khách Vinh - Vĩnh Linh, nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau lên xe chạy Vĩnh Linh - Huế, ngang làng xuống xe tấp vào nhà dì ruột tôi nằm sát QL1 nhờ con dì chở lên nhà ông nội cách đó hơn hai cây số. Dọc đường, ba tôi ôn tồn: chỗ vừa dừng gọi là Quán Rớ, còn nhà dì là quán của mệ ngoại giao lại cho dì sau khi lấy chồng!

Lớn lên, tôi tìm hỏi gốc tích xóm Quán Rớ nhưng chẳng ai biết xóm có từ khi nào, ngay cả cư dân bản địa - con cháu những người ở đầu tiên - cũng chép miệng: Lâu rồi! Để thỏa óc tò mò, tôi lật giở bản thảo Địa chí của làng, do hai nhà giáo cao tuổi chắp bút, chỉ có vài dòng sơ lược: “Xóm Quán Rớ là một nỗng đất cao, có hình dáng con rùa, nơi hội tụ một số dân quần cư làm nghề đan rớ, đan rập vào thời trước, nay thì buôn bán đủ ngành nghề để làm ăn sinh sống”. Hỏi chuyện, chú cho biết: cánh đồng làng, nay là xóm Quán Rớ hơi cao, giáp với vài thửa ruộng và nghĩa địa làng Triều Sơn Tây.

Năm 1904, tuyến đường sắt được xây dựng chạy qua đây, gần đường thiên lý Bắc - Nam, giao thông thuận lợi cộng với địa hình hoang vắng, xa khu dân cư nên người nơi khác đem xác người chết đến vất; mỗi lần phát hiện, làng phải báo huyện. Quan về khám nghiệm, xử lý, làng lo phục dịch vất vả, đón tiếp tốn kém nên quyết định cho bốn người họ Phan, lại cùng nhánh, ở làng Uất Mậu, Quảng Điền, đến ở thoi đất giáp làng bên, nằm giữa đường sắt và QL1A, với điều kiện sáng sớm hàng ngày rảo quanh khu vực thuộc địa phận làng gặp xác chết là khiêng đi chôn ngay! Một trong bốn người đan rớ, đan rập và mở quán bán, nên tên gọi Quán Rớ xuất phát từ đó. Năm chính xác họ đến ở không ai truyền lại, chỉ hay ông cụ đan rớ bán sinh khoảng năm 1890, mất năm 1976, sinh hạ nhiều con nhưng chỉ sống được một người con gái sinh năm 1930, vừa mất năm 2020; hiện con cháu của bà vẫn sinh sống trên mảnh đất xưa và chứng tích ghi dấu sự tồn tại của xóm là tấm biển “Cầu Quán Rớ” bắc qua Cống Lấp, nằm trên đất Triều Sơn Tây, cách Quán Rớ năm nào trên 50m!

Còn nhiều chuyện liên quan đến làng, xã, dòng họ được chú ghi nhớ và kể lại cho lớp trẻ. Tôi thấy hình bóng chú trong đó, vì chú là nhân vật văn hóa của làng tôi.

Hà Xuân Huỳnh