GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy trong một lần đón tiếp các đối tác nước ngoài

Ghi nhận sự đóng góp quan trọng

Huân chương Công trạng Quốc gia, tước hiệu Hiệp sĩ là huân chương cao quý của Cộng hòa Pháp nhằm ghi nhận cho các hoạt động và đóng góp của Cộng đồng Pháp ngữ và Pháp ngữ y khoa tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, là việc gia tăng sự hiểu biết sâu rộng, tình hữu nghị thân thiết, mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Cộng hòa Pháp sau tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai quốc gia.

Là một thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ y khoa tại Huế từ đầu thập niên 1990, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy đã có nhiều đóng góp quan trọng vào các hoạt động Pháp ngữ y khoa tại Huế trong hơn 3 thập kỷ qua. Ông đã thúc đẩy việc thiết lập quan hệ với nhiều đối tác là các đại học, bệnh viện đại học, các vùng và các tổ chức phi chính phủ của Pháp và cộng đồng Pháp ngữ quốc tế; thúc đẩy việc dạy và học tiếng Pháp chuyên ngành. Từ đó tạo cơ hội cho các bác sĩ trẻ tu nghiệp tại Pháp trong thời gian tối thiểu 1 năm theo chương trình FFI trước đây, sau này là DFMS và DFMSA.

Trong chuyên ngành Sản phụ khoa, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam và là Hội viên danh dự Hội Sản phụ khoa Cộng hòa Pháp, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy đã tham gia xây dựng và triển khai các khóa đào tạo liên đại học (DIU), hợp tác giữa Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế với Đại học Angers và Hội Sản phụ khoa Cộng hòa Pháp trong giai đoạn 2011 – 2026.

Theo đó, hàng trăm bác sĩ sản phụ khoa tham gia, được tổ chức luân phiên tại Huế bởi Trường đại học Y - Dược và Bệnh viện Trung ương Huế với sự hỗ trợ kinh phí từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Từ năm 2017 cho đến nay, để phù hợp hơn với các điều kiện, các khóa học này được chuyển thành các khóa đào tạo y khoa liên tục (CME) cho khoảng 120 - 150 bác sĩ chuyên ngành phụ sản hàng năm.

Huân chương này là của tất cả mọi người

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy chia sẻ, như bao người khác, khi nhận thông tin được trao huân chương, bản thân ông rất vui mừng. Song theo ông, huân chương này là dành cho tất cả. Có được kết quả, được ghi nhận như vừa qua, nhất là thúc đẩy được mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Công hòa Pháp và giữa Việt Nam - Cộng đồng Pháp ngữ... một cá nhân sẽ không thể làm được, mà đó là cả tập thể.

Bởi như lời chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, hoạt động hợp tác y khoa giữa Huế với Cộng hòa Pháp và Cộng đồng Pháp ngữ khởi đầu từ buổi sơ khai của nền Tây y tại Việt Nam, đến nay đã trải qua gần một thế kỷ rưỡi. Trong đào tạo y khoa và các chuyên ngành của y khoa, các quan hệ hợp tác bắt đầu ngay từ buổi đầu hình thành Trường đại học Y khoa Huế thuộc Viện Đại học Huế vào cuối thập niên 50 của thế kỷ XX.

Sau một khoảng thời gian tạm gián đoạn, những hoạt động giao lưu, trao đổi y khoa tiếp tục được tái lập và thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, đổi mới sau năm 1986. Những đợt công tác của các giáo sư Pháp và cộng đồng Pháp ngữ quốc tế đến Việt Nam và đến Huế vào đầu thập niên 90. Đặc biệt thông qua việc thiết lập chương trình thực tập Nội trú tại Cộng hòa Pháp cho các bác sĩ Việt Nam; trong đó, có các thầy thuốc và giảng viên đại học y khoa đến từ Huế.

Bên cạnh các hoạt động trao đổi giảng viên, bác sĩ và thực tập sinh, Trường đại học Y khoa Huế và Bệnh viện Trung ương Huế đã bắt đầu tiếp nhận các sinh viên y khoa và dược khoa từ Cộng hòa Pháp và các quốc gia trong khối Pháp ngữ từ thập niên 90. Số lượng sinh viên thực tập này đã gia tăng rõ rệt trong vòng 3 thập kỷ qua. Các nội dung thực tập theo chương trình chuyên môn, sự hiện diện của các giáo sư và sinh viên Pháp ngữ đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động học tập tiếng Pháp và tiếng Pháp y khoa của sinh viên, cán bộ trẻ.

Theo GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, thông qua các quan hệ hợp tác trong chuyên môn giữa Trường đại học Y – Dược với các đại học, các tổ chức ở Cộng hòa Pháp và Cộng đồng Pháp ngữ từ Vương quốc Bỉ, Liên bang Thụy Sĩ và Canada, nhiều cơ hội mới đã mở ra cho các đồng nghiệp ở Huế. Nhiều nghiên cứu chung đã được thực hiện và được tài trợ bởi các bên, bao gồm cả trong khuôn khổ hợp tác phi tập trung giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng Nouvelle-Aquitaine của Cộng hòa Pháp.

Đặc biệt, từ năm 2022, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Bỉ và Vùng Wallonie-Bruxelles, Vương quốc Bỉ đã hỗ trợ cho dự án “Nâng cao hiệu quả mạng lưới Y học gia đình thông qua đổi mới trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám, chữa bệnh ban đầu tại Việt Nam”. Dự án do Trung tâm Y học Gia đình của Trường đại học Y - Dược điều phối, được triển khai trong giai đoạn 2022 - 2024, với sự tham gia của 8 Trường đại học Y - Dược trong toàn quốc và các đối tác đại học đến từ Vùng Wallonie-Bruxelles, Vương quốc Bỉ. Dự án đang được đánh giá hiệu quả và dự kiến sẽ nối dài ít nhất đến năm 2026.

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Cộng hòa Pháp và Cộng đồng Pháp ngữ quốc tế; giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Pháp và Cộng đồng Pháp ngữ quốc tế chắc chắn sẽ tiếp tục được mở rộng, phát triển lên một tầm cao mới trong thời gian đến. Tin tưởng rằng, huân chương này là bước khởi đầu cho những hợp tác, mối quan hệ bền chặt hơn nữa.

Huân chương Công trạng Quốc gia là quốc lệnh đứng thứ hai, chỉ sau Huân chương Quân đoàn Danh dự Quốc gia. Huân chương Công trạng Quốc gia được trao tặng bởi Tổng thống Cộng hòa Pháp, thành lập vào ngày 3/12/1963 bởi Tổng thống Charles de Gaulle.


Bài, ảnh: ĐỨC QUANG