Trồng tre lấy măng ở Nam Đông từ dịch vụ môi trường rừng |
Những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR mang lại hiệu quả tích cực, huy động được nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân sống gắn bó với rừng. Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, các cộng đồng thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình là thành viên thuộc các ban quản lý rừng cộng đồng thôn, bản như cộng đồng thôn A Tin, thôn Dỗi (huyện Nam Đông), Tân Mỹ (huyện Phong Điền), thôn 3 (huyện A Lưới)…
Nguồn vốn cho người dân, cộng đồng vay chủ yếu để mua con giống phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, kiên cố hóa chuồng trại chăn nuôi gia súc, cây giống lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế. Điều này không chỉ góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho các thành viên trong cộng đồng, mà còn thể hiện vai trò, ý nghĩa nhân văn và tính đúng đắn của chính sách chi trả DVMTR.
Ông Trần Quốc Cảnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thông tin, chi trả DVMTR là một trong những chính sách lớn của Nhà nước nhằm xã hội hóa nghề rừng. Các loại DVMTR được quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 bao gồm bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Đồng thời, bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.
Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh tham gia thí điểm này. Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ DVMTR đối với loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Thực hiện ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp để đầu tư trực tiếp vào rừng, hình thành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới. Từ đó, giúp gia tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, giá trị sinh thái của rừng, cải thiện sinh kế bền vững.
Theo quy định tại Nghị định 107 này, các cộng đồng dân cư có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức sẽ được hỗ phát triển sinh kế với mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế gồm hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi; quản lý lập địa và phát triển kinh tế rừng trồng; mua sắm thiết bị chế biến nông, lâm sản; tham quan học tập xây dựng các mô hình trình diễn về phát triển sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng của cộng đồng dân cư như công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn, bản, nhà văn hóa và các công trình khác được cộng đồng tham gia quản lý rừng thống nhất đề xuất; hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các hương ước, quy chế, cam kết thực thi pháp luật.