Hồi ký “O Tôn Nữ Huế tha hương” của Ngọc Trai |
Ở đời, vẫn có những “nghịch lý” thú vị như thế, giúp chúng ta hiểu sâu hơn cuộc sống. Chuyện anh chị em của Ngọc Trai đều đến với cách mạng, đồng hành cùng đất nước qua 2 cuộc trường chinh - trong đó có nhiều người nổi tiếng… Ngay sau ngày vua Bảo Đại thoái vị, “…Gia đình tôi có bốn thanh niên vừa đủ tuổi đều tòng quân. Anh Lôi, anh Long là hai con trai, anh Lâm là cháu ngoại, anh Điệp là cháu đích tôn của Thầy (tức cụ Thượng thư Tôn Thất Đàn)… Anh Lôi vào mặt trận Khánh Hòa bị thương, anh Long bị thương từ chiến trường Lào về nằm bệnh viện Huế… Anh Điệp hy sinh ở chiến trường Nam Trung Bộ…”
Bền bỉ tiếp bước cuộc trường chinh cùng dân tộc, gia đình vị đại quan ấy còn có những đóng góp thật đặc biệt. Nổi tiếng hơn cả, có lẽ là “O Tôn Nữ” Ngọc Toản – người chị liền kề với Ngọc Trai. Sau những hoạt động cách mạng tại TP. Huế có nguy cơ bị địch bắt, tổ chức đưa cô nữ sinh Đồng Khánh ra Việt Bắc, và Ngọc Toản đã đi suốt cuộc kháng chiến thứ nhất tới chiến dịch Điện Biên với đám cưới nổi tiếng thế giới ngay tại hầm Đờ-cát-tờ-ri với tướng Cao Văn Khánh. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, trong khi tướng Cao Văn Khánh – người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt tin cậy, giao chỉ huy những chiến dịch lớn gay go nhất như chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, thì Ngọc Toản là bác sĩ - Đại tá tại Viện Quân y 108. Sau khi về hưu, bà đã tiếp tục cuộc chiến đấu đòi quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam với các tổ chức quốc tế…
Anh Tôn Thất Long lại là tấm gương can trường của một chiến sĩ hoạt động bí mật. Anh là Thành ủy viên Huế, người thường giao cho Ngọc Trai chuyển thư liên lạc cho các cơ sở hoặc các trí thức trong tổ chức công chức kháng chiến Thuận Hóa. Ra tù, đau ốm, anh biến biệt thự cụ Thượng Lại Thế thành nơi hoạt động, có hầm bí mật để ẩn nấp khi địch đến. Và rồi anh đã bị bắt lần 2…
Trong hồi ký, tác giả đã tái hiện không khí học tập và hăng hái đấu tranh của cả một thế hệ nữ sinh Đồng Khánh vì tự do và độc lập dân tộc ngay trong ách kìm kẹp của kẻ địch. Sau lễ truy điệu Trần Văn Ơn bị Pháp sát hại tổ chức tại trường Đồng Khánh, Ngọc Trai bị bắt về sở mật thám, rất may có anh Thái Sém là công an mật của ta cài vào phát hiện kịp, giúp chị trốn thoát. Biết mật thám sẽ bắt lại, tỉnh bố trí đưa ba mẹ con Ngọc Trai ra Khu Bốn. Chuyến đi đúng là một cuộc “trường chinh”. Với thân mẫu Ngọc Trai - dù từng bươn chải buôn bán nuôi con, vẫn là một mệnh phụ phu nhân quen mặc áo dài và đi xích lô lên phố, cùng “O Tôn Nữ” và cậu út công tử chưa từng trải, vượt qua chặng đường gian khổ trèo U Bò, Ba Rền quả là một thử thách quá sức. Tuy tỉnh có cho hai dân công đi cùng phòng khi phải giúp cáng võng, nhưng với bộ bà ba đen, dép lốp, “mẹ vẫn cố gắng trèo đèo lội suối theo đoàn… Đêm chờ vượt đường 9, biết đồn địch ở gần bên, nghe phổ biến không được bấm đèn pin, lặng lẽ bám theo lưng người trước mà đi, không được ho hen…mẹ sợ quá, nên vừa chạy vừa run, qua khỏi mặt đường, hai mẹ con bị lạc trong đám lau sậy. May sao khi đến chỗ dừng, giao liên điểm danh thấy thiếu người, quay lại tìm được…”
Chuyến đi quá đặc biệt đối với “O Tôn Nữ Huế” gắn với giai đoạn khó khăn trong cuộc trường chinh của dân tộc; nhưng thực ra, cuộc “trường chinh” của Ngọc Trai lại diễn ra chủ yếu trên “mặt trận” văn hóa - giáo dục. Sau khi ra Việt Bắc, chị được cử sang học tại Quế Lâm (Trung Quốc), để có ngày trở lại thành giáo viên ở đây, rồi về làm giáo viên nhiều trường ở miền Bắc. Khi cuộc chiến ở miền Nam lên cao điểm, chị được điều về Tiểu ban Văn nghệ miền Nam, giúp nhà thơ Bảo Định Giang tiếp nhận và giới thiệu các tác giả ở chiến trường với miền Bắc và thế giới như Giang Nam, Thanh Hải…
Riêng với nhà thơ Trần Vàng Sao, từ những ngày khó khăn nhất ở Trại sáng tác sau khi anh được đưa từ Huế ra cho đến ngày anh trở lại quê hương, chị Ngọc Trai là người đã thông cảm và hết lòng giúp đỡ. Chị còn có nhiều đóng góp cho tiến trình Đổi mới sáng tác văn nghệ với cương vị Phó Tổng Biên tập báo “Văn nghệ” trong thời đoạn nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng Biên tập…
Sau ngày về hưu, năm 1991, chị là người khởi xướng sáng lập “Trung tâm Nghiên cứu trợ giúp Người Cao tuổi” (RECAS) hoạt động có hiệu quả trong cả nước, và được quốc tế công nhận. Sau 25 năm thành lập, chị đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Gọi là “O Tôn Nữ Huế tha hương” nhưng Ngọc Trai tuy ở xa Huế mà luôn nhớ về nguồn cội bằng nhiều hoạt động rất thiết thực. Chỉ riêng “Quán Huế” nổi tiếng tại 6 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) - nơi gặp gỡ rất đông văn nghệ sĩ, trí thức tên tuổi và du khách quốc tế đã là một cách “PR” cho Huế hiệu quả. Tổ chức RECAS đã nhiều lần về Huế phối hợp bác sĩ Nguyễn Cương (Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế) tập huấn cho nhiều lớp về kỹ năng tổ chức vui chơi, chăm sóc người cao tuổi… Trong nhiều hoạt động của Huế tại Hà Nội, chị luôn tham gia tích cực, đặc biệt, chị là một trong số người khởi xướng và ủng hộ đất xây nhà thờ Nguyễn Phước tộc tại Sóc Sơn (Hà Nội).
Tôn trọng sự thật, những trang hồi ký của Ngọc Trai không tránh né cả những điều gọi là tế nhị, nhạy cảm trong cuộc sống tình yêu - vợ chồng và những mối quan hệ của giới văn nghệ sĩ nổi tiếng mà chị quen biết rất nhiều như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi… Lên tuổi 90 (sinh năm 1933), những trang sách của chị Ngọc Trai vẫn đầy khí chất tươi trẻ, trung thực, can đảm của một “Tôn nữ Đồng Khánh” năm xưa…