Sẽ đáp ứng nguồn lao động chất lượng khi có mô hình quản lý, đào tạo nghề có quy mô, đồng bộ hơn

Bắt mạch nhu cầu lao động

Theo điều tra của ngành lao động, thương binh và xã hội, quy mô nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh không lớn, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lực lượng lao động nói chung. Nguồn nhân lực chất lượng cao chiếm 17,52% tổng lực lượng lao động, có mức tăng trưởng âm 7,42%. Phần lớn có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 70,72% tổng số nguồn nhân lực chất lượng cao.

Kết quả khảo sát, đánh giá của doanh nghiệp về năng lực, kỹ năng của người lao động, nhất là nhóm lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh còn thiếu hụt, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Mức độ thiếu hụt năng lực, kỹ năng của nhóm lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh tập trung vào các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học, làm việc nhóm, kỹ năng tư duy sáng tạo, tính chủ động. Mức độ đáp ứng của người lao động đang thấp hơn so với yêu cầu công việc, cụ thể như kỹ năng số; kỹ năng ra quyết định; kỹ năng phân tích, tư duy logic và phản biện; kỹ năng ngoại ngữ.

 Hình thành mô hình Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp sẽ tăng mối liên kết giữa các bên và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao

Tuy nhiên, mức độ gắn kết giữa cơ sở đào tạo GDNN và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo đang từng bước được cải thiện. Các cơ sở GDNN trên địa bàn đã liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng. Các hình thức hợp tác phổ biến như: cơ sở GDNN đưa học viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, đồng thời theo dõi quá trình thực tập và đánh giá học viên thông qua các hợp đồng “thỏa thuận tham gia đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo”, “biên bản ghi nhớ”, “ký hợp đồng quyền lợi và trách nhiệm các bên”.

Ngoài ra còn có các hình thức doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động tại cơ sở GDNN; doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo cùng cơ sở GDNN; doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu với các cơ sở GDNN trên cơ sở ký kết hợp đồng, cung cấp kinh phí đào tạo, hỗ trợ cơ sở vật chất; doanh nghiệp đầu tư, mở cơ sở - thiết lập dây chuyền sản xuất tại cơ sở đào tạo nghề theo mô hình đặt hàng sản xuất.

Ra đời mô hình quản lý mới

Trước thực trạng về cung - cầu lao động, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay đòi hỏi cần một mô hình quản lý mới về GDNN nhằm nâng cao vai trò, nhiệm vụ cũng như tăng cường mối liên kết giữa các nhà, giữa bên cung và bên cầu về thị trường lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã xây dựng đề án thành lập mô hình Hội đồng GDNN cấp tỉnh. Mô hình Hội đồng GDNN tỉnh do Chủ tịch UBND ra quyết định thành lập, gồm: Chủ tịch Hội đồng, 3 Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng và Ban thư ký và các tiểu ban tư vấn phát triển kỹ năng nghề: kỹ thuật - công nghệ, dịch vụ du lịch, y tế, xã hội - nhân văn.

Theo mô hình này, Hội đồng sẽ tổ chức các hoạt động để tư vấn cho Sở LĐTB&XH trong việc tổ chức các hoạt động và tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về thúc đẩy tăng cường gắn kết mối quan hệ nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong việc phát triển GDNN đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và yêu cầu phát triển nhân lực cho địa phương.

Những vấn đề chính mà Hội đồng GDNN có thể giải quyết đó là hiểu được nhu cầu kỹ năng trong tương lai, đồng thời, giải quyết những lỗ hổng và thiếu hụt kỹ năng. Bên cạnh đó sẽ cung cấp các giải pháp kỹ năng sáng tạo cho sự thay đổi nhanh chóng về thị trường lao động, chẳng hạn như: tự động hóa, chuyển đổi số, xanh hóa... Tăng cường đầu tư của nhà tuyển dung vào đào tạo và phát triển kỹ năng; nâng cao năng suất lao động; hỗ trợ các sáng kiến kỹ năng của chính phủ và ngành; tăng cường phát triển kỹ năng cho người lao động và người sử dụng lao động.

Theo đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH, mô hình “Hội đồng GDNN cấp tỉnh” thúc đẩy gắn kết mối quan hệ Nhà nước, Nhà trường và doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong việc phát triển GDNN; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ). Hội đồng GDNN này sẽ giúp cho GDNN trên địa bàn tỉnh phát triển đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và đến năm 2030, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN