Chị Thảo vá lưới, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt tiếp theo của chồng |
Ngôi nhà của vợ chồng anh Minh, chị Thảo thật bề thế, khang trang, trị giá tầm 3 tỷ đồng. Chị Thảo mở đầu câu chuyện bằng nụ cười thật rạng rỡ: “Nhờ biển, nhờ hai bàn tay mình cả đấy”! Vợ chồng anh Minh, chị Thảo lúc mới cưới nhau chỉ có căn nhà cấp 4 tềnh toàng, không vốn liếng. Với suy tính, là dân vùng biển, đời nối đời bám biển mà mưu sinh, phát triển kinh tế, vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn, vợ chồng anh Minh mạnh dạn vay mượn gần 90 triệu đồng, đóng cổ phần cùng 5 người khác mua chiếc tàu, ra khơi đánh bắt cá tôm.
Chiếc tàu đầu tiên không lớn lắm, nên không thể vươn khơi xa. Sau nhiều năm cần mẫn bám biển sản xuất, vừa mưu sinh vừa dành giụm tích cóp, cả 6 thành viên sắm được tàu to, công suất lớn. Từ đó dễ dàng thực hiện những chuyến đánh bắt kéo dài 10-20 ngày; đồng thời vươn ra ngư trường Hoàng Sa vừa sản xuất vừa chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thu nhập từ biển vừa phục vụ cuộc sống, “quay vòng” tu bổ, sắm mới ngư lưới cụ, vừa tích lũy xây dựng nhà. “Ngôi nhà này bắt đầu khởi công xây dựng 17 năm trước. Trong 7 năm mới hoàn thành. Cách đây 3 năm, vợ chồng tui xây dựng mở rộng thêm. Bây giờ nhà cửa đã chắc chắn, chỉ lo tập trung lao động làm ăn” - người ngư dân “sống cùng biển” lại nở nụ cười.
Vợ chồng anh Minh, chị Thảo bộc bạch, cũng như nhiều bà con ngư dân trên địa bàn, để có được cơ ngơi ngày hôm nay, cả gia đình cùng nỗ lực cần cù, chịu thương chịu khó. Anh Minh cùng bạn thuyền “ăn sóng, ngủ gió” trên biển, theo nguồn cá, tôm. Chị Thảo quán xuyến công việc vá lưới. Sau mỗi chuyến biển, các thành viên chia nhau nhận ngư lưới cụ về tu bổ. Công việc này kéo dài cả nửa tháng trời mới xong. “Các công đoạn phân loại lưới không bị rách, hỏng; cắt bỏ lưới rách, vá hoặc thay mới…, cần rất nhiều thời gian, sự tỉ mẫn và kiên trì. Mình không thuê người mà chịu khó lấy công làm lãi thì mới có dư ra. Mặt khác, nghĩ đến chồng cùng các bạn lênh đênh ngoài khơi xa, biết bao vất vả, đối mặt với hiểm nguy khi giông lốc bất ngờ, mới kiếm được cá tôm, nên tui càng có động lực cố gắng. Cần mẫn bên đống lưới từ sáng sớm, buổi tối phải đến 23 giờ mới đi ngủ là chuyện thường ngày. Các con, sau thời gian đến trường và học bài, mỗi đứa một việc giúp bố mẹ trong các công đoạn vá lưới” - chị Thảo kể, tay vừa làm thoăn thoắt.
Vợ chồng anh Minh, chị Thảo nói rằng, bất cứ ngư dân nào trên địa bàn và gia đình của họ cũng biết ơn biển. Dù có vất vả, mưu sinh trên biển ngày một khó khăn hơn, nhưng biển cho nguồn hải sản, nuôi sống bao đời. Gia đình anh Minh và rất nhiều gia đình ngư dân Vinh Thanh xây dựng được nhà cửa khang trang; nhiều gia đình sắm được ô tô, những vật dụng tiện nghi có giá trị lớn. Cuộc sống ngư dân ngày càng khấm khá, tốt đẹp. Do đó, họ càng nỗ lực, cố gắng. “Đặc biệt, không chỉ ngư dân Vinh Thanh mà tất cả ngư dân trên mọi miền biển của đất nước, khi đã vươn khơi, là cùng đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau; để vừa vượt qua khó khăn, nguy hiểm, khai thác hiệu quả, vừa chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - anh Minh bộc bạch.