Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn qua mỗi kỳ họp từng bước được đổi mới 

Những nghị quyết hợp lòng dân

Thực tế hiện nay, hàng hóa sản xuất của các doanh nghiệp (DN) tồn đọng làm giảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong khu vực cũng như trên địa bàn của tỉnh đã ảnh hưởng đến số lượng hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây. Do vậy, việc HĐND tỉnh ban hành NQ số 18 và NQ số 25 nhằm thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây đã tạo ra cú hích lớn.

Sau hơn 1 năm đưa NQ đi vào thực hiện, bước đầu đã phát huy tác dụng nhất định. Theo đó, đã thu hút được 65 chuyến tàu vận chuyển container (44 chuyến nội địa và 21 chuyến quốc tế) với sản lượng thông qua là 7.370 TEU, tương đương 110.640 tấn hàng hóa.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp (KTCN) tỉnh cho biết, chất lượng dịch vụ khai thác hàng container được nâng lên. Năng suất xếp dỡ container tại cảng hiện tại đạt trung bình trên 10 move/giờ/cẩu, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của hãng tàu.

Đến nay, Ban Quản lý Khu KTCN đã tiếp nhận 28 hồ sơ đề nghị hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây. Đã tham mưu ban hành 28 quyết định hỗ trợ với tổng kinh phí đã hỗ trợ 8,668 tỷ đồng. Tất cả các hồ sơ đề nghị hỗ trợ của DN, hãng tàu vận tải đường biển có hàng container đi, đến cảng Chân Mây được xử lý qua Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Các hồ sơ đề nghị hỗ trợ đều được Ban Quản lý Khu KTCN tỉnh xử lý kịp thời đúng theo quy định về chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh.

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, HĐND tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện NQ số 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 và NQ số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, những kết quả thực hiện NQ số 18 và NQ số 25 mới chỉ là bước đầu, và việc kéo dài thời gian thực hiện các nghị quyết này sẽ đảm bảo vững chắc, ổn định lâu dài, góp phần thực hiện đúng định hướng của Cảng Chân Mây những năm sắp đến. Qua đó, góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics, tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo môi trường thu hút đầu tư cũng như phát triển các dịch vụ khác và tăng thu ngân sách của tỉnh; tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các bến cảng; khuyến khích các hãng tàu tiếp tục duy trì, tăng tần suất chuyến và mở mới các tuyến vận chuyển container nội địa, quốc tế qua cảng Chân Mây, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách nhà nước.

Những ngày đầu tháng 12, trong bối cảnh người dân toàn tỉnh đồng cảm với những mất mát của tiểu thương chợ Khe Tre (Nam Đông) sau vụ cháy kinh hoàng, gần như ngay lập tức sau đó, một NQ có sự đồng thuận cao, dù không nằm trong chương trình kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII được ban hành. Đó là NQ về việc trợ giúp cho các hộ kinh doanh, buôn bán bị thiệt hại do cháy chợ Khe Tre (huyện Nam Đông).

NQ được HĐND tỉnh thông qua thống nhất mức trợ giúp cho các hộ kinh doanh, buôn bán bị thiệt hại do cháy chợ Khe Tre vào ngày 3/12/2023 cho đối tượng được trợ giúp là hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ bị thiệt hại do cháy chợ. Với những mức hỗ trợ cụ thể cho từng mức độ thiệt hại của các hộ kinh doanh, tổng mức hỗ trợ vào khoảng 2,65 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh.

“Từ đầu năm 2023 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành hơn 150 NQ. Các NQ có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chung của tỉnh”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vâm cho biết.

Tiếp tục đổi mới các hoạt động của kỳ họp

Theo thường trực HĐND tỉnh, trước mỗi kỳ họp, thường trực HĐND tỉnh đã phân công các Ban của HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra nội dung tờ trình, báo cáo của UBND tỉnh trình tại các kỳ họp. Các Ban HĐND tỉnh đã đổi mới hoạt động thẩm tra theo hướng chủ động hơn; việc xây dựng kế hoạch, đề cương thẩm tra chi tiết, cụ thể hơn về mục đích, nội dung, giúp ̣các địa phương, đơn vị dễ dàng chuẩn bị nội dung báo cáo. Báo cáo thẩm tra của các ban đảm bảo khách quan, mang tính phản biện cao, cung cấp nhiều thông tin để đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận, chất vấn và quyết định những vấn đề quan trọng tại các kỳ họp HĐND tỉnh.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức kỳ họp không giấy tờ tiếp tục được triển khai có hiệu quả, rút ngắn được thời gian kỳ họp cũng như thuận tiện cho đại biểu nghiên cứu trước khi thảo luận, biểu quyết thông qua. Hoạt động giám sát, khảo sát, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật và tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, phù hợp với tình hình thực tế.

Trong năm 2023, HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 12 cuộc giám sát, khảo sát, nhìn chung, hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh trong thời gian qua đảm bảo theo kế hoạch đề ra và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Công tác chuẩn bị tổ chức giám sát được thực hiện nghiêm túc, báo cáo kết quả giám sát phản ánh rõ nét kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế và nguyên nhân, đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục.

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đánh giá, trong các hoạt động của HĐND tỉnh, hoạt động chất vấn cũng đã được đổi mới, với các nhóm với các nhóm vấn đề chất vấn đúng trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2024 dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, thời cơ và thách thức đan xen, Thừa Thiên Huế xác định đây là năm tăng tốc, bứt phá trong phát triển KT-XH góp phần thực hiện thành công NQ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021 ̣- 2025; đặc biệt đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trưc thuộc Trung ương theo NQ số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động tổ chức các kỳ họp, chất vấn, giải trình, giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND theo quy định của Luật và NQ số 594/NQ-UBTVQH ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, đặc biệt tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các nghị quyết; kết luận, kiến nghị sau giám sát, lời hứa sau chất vấn đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật, khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của địa phương”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân cho biết.

Bài, ảnh: LÊ THỌ