Mục tiêu tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo, và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030 đã được nhất trí thông qua trong khuôn khổ COP28. Ảnh minh họa: TTXVN

Trước đó, các Chính phủ trên thế giới đã nhất trí tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030 và chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) hồi tuần trước. Tuy nhiên, không có cơ chế nào được thống nhất để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở các quốc gia đang phát triển.

Ngoài ra, Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol cũng lưu ý, các khoản đầu tư vào năng lượng sạch ở những quốc gia mới nổi và đang phát triển đã không thay đổi kể từ năm 2015; trong khi trên toàn cầu, các khoản đầu tư gần như đã tăng gấp đôi, với phần lớn mức tăng trưởng đến từ Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến.

Đối với IEA, vấn đề chính từ bây giờ cho đến COP29 sẽ là làm thế nào để có thể tìm ra các cơ chế giảm thiểu rủi ro nhằm đảm bảo có dòng vốn đến các quốc gia đang phát triển và mới nổi, ông Fatih Birol nói với Hãng Thông tấn Reuters. Được biết, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 sẽ được tổ chức tại thủ đô Baku của Azerbaijan vào năm tới.

Cũng theo Giám đốc Điều hành IEA, rủi ro đồng nghĩa với chi phí vốn cho các khoản đầu tư vào nhà máy năng lượng mặt trời ở các quốc gia đang phát triển có thể cao hơn tới 4 lần so với ở những nền kinh tế tiên tiến, làm cản trở dòng vốn.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo việc tài trợ cho năng lượng sạch, giảm thiểu rủi ro cho các khoản đầu tư đó, cung cấp nguồn vốn ưu đãi là ưu tiên hàng đầu của WB, các ngân hàng phát triển khu vực và cả lĩnh vực tài chính", ông Fatih Birol nhấn mạnh.

THANH NGÂN (Lược dịch từ Reuters)