Bác Hòa cẩn thận sửa từng chiếc ba lô, túi xách cũ cho khách

Đang tiếc ngẩn người vì chiếc ba lô yêu thích mà đứa bạn thân tặng dịp sinh nhật bị hư dây kéo, đứt quai thì Thu Trang (Hương Sơ, TP. Huế) được một người bạn chỉ chỗ và tìm đến bác Hòa với hy vọng có thể “tái sinh” cho chiếc ba lô yêu thích của mình.

Thường thì bác Hòa nhận sửa ba lô và hẹn 1-2 ngày tới nhận, tùy vào mức độ hư hỏng của sản phẩm cũng như số lượng ba lô bác nhận sửa trong ngày. Nhưng khi biết Trang ở tận Hương Sơ mà vẫn tìm đến với cửa tiệm nhỏ của mình, bác Hòa đã ưu tiên sửa liền để Trang có thể đợi lấy luôn.

Chăm chú nhìn bác Hòa thay dây kéo, rồi cẩn thận “gia cố” lại đoạn dây quai mà không hề thấy dấu vết bị đứt trước đó, Trang vui mừng: “Bác khéo tay thực sự. Vì tiếc nên tôi vẫn thử cầm qua cho bác sửa chứ không mấy hy vọng. Bởi, trước khi tìm đến bác, tôi cũng có đem đến mấy chỗ sửa áo quần nhưng họ từ chối. Ấy vậy mà, bác Hòa đã “chữa lành” món đồ yêu thích của tôi trong vòng mấy chục phút”.

Chị Thanh  Hương (Phú Hội, TP. Huế) mang chiếc ba lô siêu nhân của cậu con trai tìm đến bác Hòa với mong muốn chiếc ba lô được lành lặn trở lại để cậu con trai có thể vui vẻ đến trường. Bởi đây là chiếc ba lô cu cậu yêu thích và khi ba lô có sự cố, con trai của chị Hương không chịu mua mới mà chỉ muốn mẹ tìm chỗ sửa.

Đến ngày hẹn, hai mẹ con chị Thanh Hương ghé lại cửa tiệm của bác Hòa, xuýt xoa khi nhận lại chiếc ba lô yêu thích có phần chắc chắn hơn cùng lời căn dặn của bác Hòa: Ba lô tuy còn rất mới nhưng do cháu dùng chưa được cẩn thận nên bị bung hết chỉ, dây kéo gãy và lớp lót phía trong bị rách. Bác đã may lại chắc chắn, thay dây kéo và lớp lót phía trong... Nhẹ nhàng nhận chiếc ba lô từ tay bác Hòa, cậu bé không quên nói lời cảm ơn người thợ sửa ba lô giúp mình cùng ánh mắt trìu mến đối với món đồ yêu thích của mình.

Công việc thường ngày của bác Hòa chỉ quanh quẩn ở cửa tiệm nhỏ, nép mình bên góc đường ngay sát chợ Vỹ Dạ. Nhưng mỗi khách hàng mang đến những chiếc ba lô, túi xách cũ để nhờ bác sửa là mỗi câu chuyện khác nhau. Từng là thợ sơn, lại đột ngột rẽ hướng theo nghề sửa ba lô, túi xách cũ, hơn 10 năm nay, bác Hòa đã “tái sinh” vô số những chiếc ba lô, túi xách cũ. Đồ đắt tiền có, đồ rẻ tiền có. Nhưng bất cứ sản phẩm nào bác Hòa đã nhận, đều sửa hết sức cẩn thận, tỉ mỉ và luôn làm hài lòng khách hàng, mặc dù giá công rất bình dân, từ 15 đến 40 ngàn đồng/sản phẩm.

"Đồ nghề chẳng có gì nhiều, một cái máy may, một vài món vật liệu may như kim, chỉ, kìm, khóa kéo…" Nói rồi bác Hòa cười hiền, “đồ nghề” quan trọng nhất vẫn là đôi tay cần mẫn và chịu khó. Mỗi ngày, tôi sửa hàng chục món đồ cũ là bình thường. Tôi có tính hẹn khách giờ nào, ngày nào là phải giao đúng thời gian.

Để cố gắng giữ tính nguyên bản cho những món đồ khách đưa đến và hạn chế chi phí cho khách, bác Hòa luôn cố gắng tận dụng nhiều thứ nhất có thể. Thay một cái móc khóa sẽ kỳ công hơn thay cả dây kéo, bởi phải tìm được móc khóa phù hợp. Nhưng giữ lại được dây kéo, nếu dây kéo chưa bị hỏng là giữ lại được nét riêng, sự hài hòa của món đồ cũ đó. Cũng chính cái tâm và sự tận tụy của người thợ với nghề mà tiếng tăm của bác Hòa được mọi người truyền miệng, giới thiệu và khách hàng tìm đến bác ngày càng đông.

Cũng là một nghề mưu sinh trên phố, nhưng nghề sửa ba lô, túi xách… cũ của bác Hòa không chỉ giúp nhiều người tiết kiệm những khoản chi phí cho những món đồ mới chưa thực sự cần thiết mà hơn thế nữa, nó mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, là cách “níu giữ” những kỷ niệm của khách hàng qua từng món đồ cũ.

Bài, ảnh: Thảo Vy