ThS.BSCK II Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình |
Định hướng của Nghị quyết số 21-NQ/TW chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Trong đó, không những chú trọng quy mô dân số mà còn quan tâm đặc biệt đến chất lượng dân số. Một trong những nội dung quan trọng của nâng cao chất lượng dân số hiện nay là tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Thưa bác sĩ, vì sao năm nay lại chọn chủ đề: Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước?
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện do pháp luật quy định bắt buộc như các nước Saudi Arabia, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện, phần lớn các cơ sở y tế ở Việt Nam chưa có khám và tư vấn sức khỏe sinh sản (SKSS) tiền hôn nhân riêng. Dịch vụ này được thực hiện theo nhu cầu của khách hàng, hoặc là một phần trong các dịch vụ khám sức khỏe tổng quát định kỳ và khám phụ khoa định kỳ.
Khám sàng lọc SKSS tiền hôn nhân mang lại lợi ích cho các bạn trẻ |
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, các đại biểu đã nêu sự cần thiết và tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đó là tìm ra được những bệnh lý truyền nhiễm, những bệnh lý như viêm gan B, viêm gan C, giang mai... đặc biệt là các bệnh lý di truyền và các bệnh tim. Mỗi năm, ước tính Việt Nam có khoảng 22.000 – 30.000 đứa trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, trong đó phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Vậy việc khám sức khỏe trước khi kết hôn có ý nghĩa như thế nào trong nâng cao chất lượng dân số?
Các chuyên gia khẳng định, việc khám SKSS tiền hôn nhân là một trong những hình thức sàng lọc đầu tiên và vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Khám sàng lọc SKSS tiền hôn nhân mang lại lợi ích trong việc giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm cũng như tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai thế hệ mai sau.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ hoặc người chồng và trách nhiệm với thế hệ sau, là tiền đề để giúp nâng cao chất lượng dân số và tạo dựng một cuộc sống gia đình vững bền, hạnh phúc.
Tại Thừa Thiên Huế, việc triển khai mô hình khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân hiện được tổ chức ra sao?
Từ năm 2013, mô hình được triển khai tại các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, mô hình đã cho ra đời 171 CLB tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, góp phần chăm sóc sức khỏe, tư vấn cho hàng ngàn lượt người. Hoạt động này đã nâng cao nhận thức cho thanh niên, vị thành niên và đặc biệt là nâng cao kỹ năng trong việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người chuẩn bị kết hôn. Đồng thời, làm giảm tỷ lệ sinh con dị tật, mắc các bệnh chuyển hóa bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Lĩnh vực này nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và trở thành một trong những chỉ tiêu của Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND, kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 21 của BCHTW về công tác dân số trong tình hình mới. Trong Quyết định số 1300/QĐ-BYT Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 có đưa chỉ tiêu này vào để đánh giá.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng trong thực tế vì sao một bộ phận còn chưa mặn mà với hoạt động này, thưa bác sĩ?
Đúng vậy! Một bộ phận người trẻ chưa biết, hiểu đúng, hiểu đủ của lợi ích khám sàng lọc SKSS tiền hôn nhân. Điều này do xuất phát từ tâm lý e ngại, hoặc xem thường bước chuẩn bị quan trọng và đã để lại những hậu quả đáng tiếc cho hạnh phúc gia đình, tương lai con trẻ.
Hơn nữa, theo quy định của Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ không quy định bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn.
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo các cấp chỉ chú trọng đến quy mô dân số như giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, chưa chú trọng đến chất lượng dân số, trong đó có khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân. Nhiều trường học cũng chưa chú trọng đưa các nội dung chăm sóc SKSSVTN vào nội dung ngoại khóa.
Vậy làm thế nào để tạo thành thói quen khám sức khỏe trước khi kết hôn trong nhận thức và hành động của cộng đồng?
Theo tôi, Chính phủ cần có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn và tiếp tục những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số. Các cấp lãnh đạo cần quan tâm và đầu tư hơn nữa đến các nội dung nâng cao chất lượng dân số, trong đó có khám sức khỏe và tư vấn trước khi kết hôn. Cơ quan chức năng duy trì phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền về chăm sóc SKSS vị thành niên trong nhà trường nhằm cung cấp kiến thức cơ bản cho các em trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân sau này…
Xin cảm ơn bác sĩ!