Lễ hội A Riêu Ping của người Pa Cô. Ảnh: Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế

Mạch nguồn văn hóa, văn nghệ dân gian đã hình thành và gắn bó lâu đời với người dân Thừa Thiên Huế. Song, trong quá trình phát triển khoa học kỹ thuật và nếp sống văn minh đô thị; vốn văn hóa, văn nghệ dân gian đã và đang bị biến đổi, mai một dần trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Tọa đàm do Hội Văn nghệ dân gian tỉnh tổ chức nhằm chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn, phát huy những nét văn hóa dân gian như ca Huế, các lễ hội, lễ tục, các trò chơi dân gian... Qua đó, tìm giải pháp để bảo tồn và phát huy, đưa những giá trị dân gian đó trở lại gần gũi với đời sống của cộng đồng người dân xứ Huế.

Tại tọa đàm, 16 tham luận đã được trình bày, trong đó có những vấn đề trọng tâm được đặt ra, đó là bảo tồn, phát huy các làng nghề như nghề đóng thuyền đua truyền thống Huế, nghề tranh gương Huế...; phát triển văn nghệ dân gian, đưa ca Huế, tuồng Huế vào đời sống; bảo tồn các lễ hội đặc sắc ở Thừa Thiên Huế như lễ A Riêu Ping của người Pa Cô ở A Lưới, lễ hội cư dân vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế...

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, tuy có phần mai một nhưng trầm tích văn hóa, văn nghệ dân gian trên địa bàn Thừa Thiên Huế vẫn còn khá phong phú, đa dạng. Vì vậy, cần chú trọng vào phục hồi, bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa ấy để duy trì những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa mà người xưa để lại.

Tin: ĐĂNG TRÌNH