Sự phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng. Ảnh minh hoạ: Báo Thanh Niên 

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mang lại lợi ích ngày càng nổi bật, cùng với đó là nhiều chính sách khác cũng đang tạo được hiệu quả tốt. Là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc đã góp phần vào sự phát triển lành mạnh và cam kết mạnh mẽ về hợp tác khu vực, hướng đến mục tiêu đưa châu Á - Thái Bình Dương bước vào một giai đoạn “30 năm vàng” tiếp theo.

Động lực phục hồi mạnh mẽ

Trong ba thập kỷ qua, sự phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng, biến khu vực này thành trung tâm tăng trưởng kinh tế của thế giới, một trụ cột ổn định cho phát triển toàn cầu và là đầu tàu cho hợp tác quốc tế.

Thu nhập bình quân đầu người ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng hơn 4 lần và 1 tỷ người đã thoát nghèo. Đây là đóng góp quan trọng cho sự tiến bộ của con người và sự phát triển bền vững toàn cầu.

Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm qua, khi châu Á - Thái Bình Dương hỗ trợ tiến trình phục hồi toàn cầu với động lực mạnh mẽ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Triển vọng kinh tế khu vực, được công bố vào tháng 10 vừa qua, trong đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023, bất chấp những trở ngại từ việc thay đổi nhu cầu hàng hoá và dịch vụ toàn cầu, cũng như các chính sách tiền tệ đang ngày càng thắt chặt hơn. IMF cũng cho biết thêm, khu vực này dự kiến sẽ tăng trưởng 4,6% vào năm 2023, tăng từ mức 3,9% ghi nhận vào năm 2022.

Sự cởi mở, toàn diện và phát triển chung vẫn là chủ đề chủ đạo của châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023. Hiệp định RCEP đã có hiệu lực đối với tất cả 15 nước thành viên kể từ tháng 6 vừa qua. Theo đó, hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này sẽ loại bỏ 90% thuế quan đối với hàng hoá được giao dịch giữa các bên ký kết, mang lại một động lực khác cho tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách tự do hoá và tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về Thoả thuận thương mại tự do (FTA) phiên bản 3.0 giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu vào đầu năm cũng được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình tăng trưởng của khối ASEAN và đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực.

Trong một diễn biến khác có liên quan, một trong những chỉ số chính cho thấy sự phục hồi kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương là sự nối lại nhanh chóng các hoạt động trao đổi, giao lưu nhân dân. Cụ thể, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc đã tích cực mạo hiểm ra nước ngoài để thu hút đầu tư và tiến hành đàm phán kinh doanh, trong khi các nhà đầu tư và công ty trong khu vực cũng đến thị trường Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội phát triển.

Lượng khách du lịch Trung Quốc gia tăng tại các quốc gia như Thái Lan cũng đã để lại một dấu ấn cảm động trong năm nay. Cùng với đó, việc triển khai dịch vụ phục vụ hành khách quốc tế của tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào cũng đã thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, cũng như đẩy mạnh trao đổi văn hoá giữa các nước trong khu vực…

Nhận định về tình hình khu vực trong toàn năm 2023, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF Thomas Helbling nhận xét: “Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Khu vực đã đóng góp 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và điều này sẽ tiếp tục”.

Những thách thức còn lại

Các chuyên gia nhận định, hiện thế giới đang bước nào một thời kỳ hỗn loạn và chứng kiến nhiều thay đổi mới. Động lực tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Các yếu tố gây mất ổn định, bất ổn và khó lường đang ngày càng gia tăng. Hơn nữa, một số quốc gia đang thực hiện những bước đi không đúng, qua đó làm mất ổn định chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực, tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi của kinh tế khu vực.

Trong bối cảnh này, Trung Quốc và ASEAN đã tuyên bố bắt đầu xem xét lần thứ ba Văn bản đàm phán dự thảo duy nhất về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán để sớm đạt được một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, tiến đến xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác.

Có thể nói rằng, câu chuyện về sự thịnh vượng và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương đã nhiều lần chứng minh rằng sự phát triển chỉ có thể thực hiện được khi có hợp tác. Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều đã hiểu rõ những gì có thể rút ra từ hành trình hợp tác đáng chú ý ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách thể hiện quan điểm trung lập.

Nỗ lực vì sự phát triển chung

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn là khu vực năng động, tiềm năng và có khả năng phục hồi kinh tế cao nhất trên thế giới. Trong bối cảnh đang có những thay đổi lớn chưa từng thấy, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn là động lực tăng trưởng toàn cầu, lại càng phải có trách nhiệm lớn hơn trong thời điểm này.

Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 diễn ra vào tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các thành viên APEC tiếp tục đổi mới, cởi mở, thúc đẩy phát triển xanh và toàn diện trong hợp tác khu vực và để khu vực mở ra một thời đại “30 năm vàng” khác.

Phát triển là chủ đề muôn thuở của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và năm 2024 cũng sẽ không ngoại lệ. Trong năm mới, châu Á - Thái Bình Dương cần tiếp tục tập trung vào phát triển, tăng cường hợp tác để tạo ra lợi ích chung lớn mạnh hơn, cùng nhau gìn giữ hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Đan Lê (Lược dịch từ Xinhua Net)