Lương tăng so với năm trước giúp người lao động ổn định cuộc sống |
Mức thưởng giảm
Nhờ đẩy mạnh các chương trình, giải pháp về việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững, năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 lao động, trong đó đưa khoảng 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, trong năm qua, tình trạng người lao động thiếu việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập, đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và chuyển công việc vẫn có tăng. Nhiều DN trên địa bàn vẫn cố gắng xoay xở trả đủ lương và bố trí nguồn kinh phí để thưởng tết, động viên người lao động vượt khó, đón tết an vui
Dù chưa biết cụ thể sẽ được thưởng tết bao nhiêu, nhưng chị Trần Thị Hồng Hoa, nhân viên của một DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng ở Khu công nghiệp Phong Điền nhẩm tính tiền thưởng tết năm nay khả năng sẽ không cao hơn so với năm 2022, do chấm công sản lượng không tăng, vì số đơn hàng xuất khẩu của toàn công ty có thời điểm giảm sút. Chị Quỳnh Anh, nhân viên một DN dịch vụ kinh doanh vận tải trên địa bàn TP. Huế cũng khá bình thản vì đoán biết thưởng tết năm nay cũng không được là bao, dù đã qua những đợt dịch COVID-19 làm hạn chế việc lưu thông, đi lại.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đến thời điểm này, đơn vị đã tiếp nhận báo cáo về tình hình tiền lương, nợ lương năm 2023; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình quan hệ lao động trong DN dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024 của 125 DN trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát, mức thưởng tết bình quân năm nay ở các khu vực đều giảm so với năm trước, song có sự chênh lệch vượt trội ở từng khu vực DN.
Mức thưởng tết năm nay ở một số doanh nghiệp không tăng, nhưng người lao động vẫn chia sẻ vì có mức lương, công việc đảm bảo |
Dự kiến, thưởng Tết Dương lịch năm 2024 cao nhất là 45 triệu đồng/người thuộc một DN dân doanh, trong khi mức thưởng này năm ngoái là 60 triệu đồng/người thuộc công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước. Còn mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 bình quân gần 7,7 triệu đồng/người (cao hơn năm 2023 khoảng 1 triệu đồng), với mức thưởng cao nhất 150 triệu đồng/người thuộc về DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước và thấp nhất là 200 nghìn đồng/người thuộc về DN FDI. Các mức thưởng này đều thấp hơn so với năm 2023.
Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ dự kiến thưởng người lao động dịp Tết Dương lịch năm 2024 bình quân 8,06 triệu đồng, trong đó cao nhất là 24 triệu đồng và thấp nhất 500 nghìn đồng. Thưởng tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 dự kiến mức cao nhất 30 triệu đồng và thấp nhất 800 nghìn đồng. Công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước dự kiến thưởng người lao động dịp Tết Dương lịch 2024 mức cao nhất là 14,4 triệu đồng và mức thấp nhất 300 nghìn đồng. Dự kiến Thưởng tết Nguyên đán 2024 mức cao nhất 150 triệu đồng và thấp nhất 1 triệu đồng. DN dân doanh dự kiến thưởng Tết Dương lịch năm 2024 cho người lao động mức cao nhất là 45 triệu đồng và mức thấp nhất 100 nghìn đồng. Thưởng Tết Nguyên đán 2024 dự kiến mức cao nhất 123 triệu đồng và thấp nhất 300 nghìn đồng. DN FDI dự kiến thưởng người lao động dịp Tết Dương lịch năm 2024 mức cao nhất 39,4 triệu đồng và mức thấp nhất 100 nghìn đồng. Thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn mức cao nhất 120 triệu đồng và thấp nhất 200 nghìn đồng.
Để người lao động sống nhờ lương
So sánh bình quân mức lương thực trả của DN năm 2023 cho người lao động ở các loại hình DN cho thấy đều tăng từ 13%-33% so với lương thực trả của DN năm 2022. Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức lương bình quân năm 2023 là 8,099 triệu đồng/người/tháng (năm 2022 là 7,176 triệu đồng/người/tháng), với mức lương cao nhất 21 triệu đồng/người/tháng và mức thấp nhất 3,64 triệu đồng/người/tháng. Đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có mức tiền lương thực trả bình quân năm 2023 là 9,118 triệu đồng/người/tháng (năm 2022 là 6,84 triệu đồng/người/tháng), với mức lương cao nhất 97,9 triệu đồng/người/tháng và mức thấp nhất 4,16 triệu đồng/người/tháng. DN dân doanh có mức lương bình quân năm 2023 là 7,922 triệu đồng/người/tháng (năm 2022 là 6,12 triệu đồng/người/tháng), với mức lương cao nhất 529,4 triệu đồng/người/tháng và mức thấp nhất 3,64 triệu đồng/người/tháng. DN FDI là khu vực có mức lương năm 2023 cao nhất là 150,3 triệu đồng/người/tháng và mức thấp nhất 3,64 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, nhằm để nắm bắt, hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện chính sách lao động, tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong các DN, Sở LĐTB&XH đã gửi công văn về việc báo cáo nhanh tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương của DN, yêu cầu các DN chủ động rà soát và thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật, các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy định trong nội quy lao động, quy chế của DN, nhất là chế độ tiền lương, tiền thưởng.
Qua báo cáo nhanh và rà soát của Sở LĐTB&XH về tình hình nợ lương năm 2023, có 1 DN thuộc loại hình DN dân doanh còn nợ lương đối với 368 người lao động với số tiền 26 tỷ đồng và đến nay DN vẫn chưa giải quyết tiền lương bị nợ. Sở LĐTB&XH cũng phối hợp, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để xây dựng và công bố công khai kế hoạch trả lương, trả thưởng cho người lao động trên cơ sở các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy chế của đơn vị; tránh tình trạng nợ lương của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp, bất ổn trong quan hệ lao động tại DN. Trong năm 2023, có 274 DN tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; có 6 DN tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên và có 12 DN tổ chức đối thoại vụ việc. Nhờ làm tốt mối quan hệ lao động giữa các bên, nên trong năm 2023 trên địa bàn không xảy ra vụ tranh chấp lao động, đình công.