Du học sinh Huế nhận bằng tốt nghiệp tại Mỹ 

Sôi động chuyện du học

Du học không chỉ dành cho học sinh thành phố mà học sinh ở các vùng nông thôn cũng tìm hiểu các thị trường phù hợp với túi tiền, năng lực để vi vu một chuyến trời Tây. Bạn tôi bảo, ngày trước mình khát khao được đi du học, chỉ vì muốn được nghiên cứu, khám phá kỹ thuật tiên tiến. Còn chừ con mình, mục đích đi du học nhẹ nhàng hơn, chủ yếu là muốn được trải nghiệm, học hỏi và khám phá một nền văn hóa mới. Dù dưới bất cứ hình thức nào đều rất chính đáng, cần tôn trọng và khuyến khích, bạn cười tươi khi nói về điều này.

Thị trường du học ở Huế bắt đầu sôi động khi nhiều phụ huynh “săn học bổng” hoặc bỏ tiền túi cho con du học. Với những em có năng lực có thể tìm được học bổng toàn phần hoặc học bổng từ 30% - 60%. Tất nhiên, trường càng tốt thì đầu vào càng khó và học phí càng cao. Nước càng phát triển thì chi phí học tập và sinh sống càng đắt đỏ. Ngay thị trường du học ở các nước cũng không còn kén người học như trước. Ở Mỹ, ngoài các trường danh giá, vẫn có chương trình bằng kép, nghĩa là học sinh có thể học song song cao đẳng và chương trình phổ thông. Hay một số trường ở Singapore cho phép học sinh sang học mà không cần bằng phổ thông…

Tôi không bất ngờ khi Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Học Huế Nguyễn Phú Thọ thông tin, mỗi năm trường có khoảng 50 em đi du học. Thậm chí, các trường THPT danh tiếng trên thế giới ở Nhật, Mỹ, Canada và các nước châu Âu cũng đang tìm về Quốc Học để tuyển trò giỏi. Các em có thể nhận học bổng toàn phần lên đến hàng tỷ đồng. Tất nhiên, không chỉ có IES 7.0, kết quả học tập trên 8,5 hay tham gia các hoạt động xã hội mà các em phải thể hiện bản lĩnh và kỹ năng trong các cuộc phỏng vấn.

Du học sinh Huế nhận bằng tốt nghiệp tại Úc

Em Hồ Xuân Thảo Nguyên, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học kể, cuối năm học lớp 11, em mới bắt đầu có ý định đi du học nên chỉ có vỏn vẹn 5 tháng để chuẩn bị hồ sơ. Em nộp một lúc 11 hồ sơ vào các trường đại học tại Mỹ và đã được 9 trường mời gọi với mức học bổng khá cao. Sau khi cân nhắc, Thảo Nguyên chọn Đại học Dickinson và nhận được học bổng của trường trị giá hơn 4,3 tỷ đồng cho 4 năm học.

Minh chứng cho việc phụ huynh có xu hướng cho con “đi cho biết đó, biết đây” là Việt Nam được xếp thứ 8 trên thế giới về du học. Các thị trường đang hấp dẫn du học sinh tham gia học tập gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc… Bí quyết “bỏ túi” của nhiều phụ huynh, muốn đi du học thì ngoài học giỏi ra còn phải có kinh tế. Bởi, ngay cả khi con được nhận học bổng toàn phần nhưng chi phí sinh hoạt vẫn phải tự lo. “Mỗi học kỳ con mình chỉ nhận được học bổng khoảng 20 - 25%. Số tiền này chỉ hỗ trợ 1 phần nên muốn đi du học phải có tiền, sau đó mới chọn ngành và nước để sang học”, chị Trần Ngọc Lan, phụ huynh ở TP. Huế có con đang theo học ở Mỹ cho biết.

Thay đổi để thích ứng

Bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đặt chân lên xứ người, khó khăn trong giao tiếp, trái ngược văn hóa, bất đồng ngôn ngữ, phương pháp dạy và học quá mới… là những gì mà hầu hết các du học sinh đều gặp phải. Nguyễn Bảo Anh, du học sinh tại Mỹ kể: Mình mới bước qua tuổi 15, là một du học sinh tại Mỹ. Ngôi trường mới mình học nằm ở thành phố Milton thuộc tiểu bang Massachusett ở miền Đông Bắc nước Mỹ. Hàng ngày mình đi học từ thứ Hai đến thứ Sáu, tất nhiên là không có học thêm ngoài giờ học chính khóa. Hầu hết tất cả các quy định của trường đều dựa trên sự tự giác của học sinh. Sẽ không bị nhắc nhở nhiều vì mỗi học sinh phải biết rõ ràng mình không được làm gì, được làm gì và nên làm gì.

Tất nhiên du học không phải lúc nào cũng thành công. Đã không ít cuộc tranh cãi về độ tuổi nào nên cho con du học? Du học sớm vẫn là con dao hai lưỡi. Nếu biết tận dụng cơ hội, các em sẽ được tiếp nhận vào môi trường giáo dục tốt, phát triển tư duy, sáng tạo. Nhưng nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các em có thể vấp nhiều vấn đề dẫn đến không thể thích nghi, trầm cảm, phải về nước giữa chừng.

Người viết bài này đã từng chứng kiến, câu chuyện diễn ra cách đây không lâu đối với anh N.V.M. là giáo viên dạy môn toán của một trường huyện. Sau nhiều lần đắn đo, anh quyết định xin nghỉ không lương để sang Úc thăm con. Anh M. buồn rầu kể, con gái anh học giỏi và quyết tâm du học ở Úc, tự ôn luyện tiếng Anh suốt mấy năm. Cháu đã từng háo hức, tìm hiểu văn hóa, phong tục của “Xứ sở chuột túi”, còn dặn bố mẹ ở nhà không phải lo cho mình. Vậy mà, học chưa được 1 tháng, con bé cứ gọi điện về khóc, nói nhớ nhà, muốn về Huế. Vợ chồng anh cũng thẫn thờ theo con, sợ con trầm cảm, mà để con về thì xem như mất trắng bao tiền bạc, tâm huyết.

Quan trọng hơn độ tuổi, học sinh muốn đi du học cần phải hiểu những nền văn hóa mà mình chuẩn bị đến học, cần tôn trọng, tiếp nhận những giá trị mới để có thể hòa nhập được trong cuộc sống... Sự tự lập mới là nền tảng cơ bản, là chìa khóa để du học sinh mở ra cánh cửa hòa nhập ở môi trường mới, phát huy những năng lực của bản thân. Các em phải được chuẩn bị, rèn luyện tính tự lập, kỹ năng học tập và kỹ năng hòa nhập. Đừng để các con phải bật khóc, loay hoay nơi xứ người chỉ vì một bữa ăn, mấy chiếc quần áo hay những chuyện vụn vặt hằng ngày, chị Ngọc Lan chia sẻ.

Tâm đắc với bà giáo già khi bàn về vấn đề có nhất thiết cho con du học? Bà bảo, hãy tôn trọng lựa chọn học tập của mỗi người. Nếu muốn và đủ điều kiện thì nên đi du học. Còn nếu không, thì học trong nước cũng tốt. Mong muốn học tập là điều thiêng liêng và lựa chọn học ở đâu là tự do cá nhân, cần tôn trọng.

Bài, ảnh: Thu Huế - Tiên Lê