Tác phẩm "Hình bóng thiền nhân" của họa sĩ Hoàng Thanh Phong |
Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) là vị Sơ tổ của Thiền phái Liễu Quán, một dòng thiền thuần Việt ra đời vào đầu thế kỷ XVIII tại Đàng Trong. Đạo phong và công hạnh của ông không chỉ được hầu hết mọi tầng lớp xã hội đương thời - từ vương hầu khanh tướng đến tăng tín đồ quy ngưỡng, mà trong hơn 300 năm qua, nguồn mạch thiền phái do ông sáng lập vẫn được "truyền đăng tục diệm", phát triển hưng thịnh và có nhiều đóng góp quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Tên gọi “Hoàn gia lý” của triển lãm có nghĩa là “Về quê cũ”, lấy ý trong bài kệ để lại trước khi tịch của Tổ sư Liễu Quán. Chuyện kể rằng, vào một buổi sáng mùa đông năm 1742, nhằm ngày 21/11 âm lịch, tại tổ đình Viên Thông (nay nằm tại phường An Tây), Tổ sư Liễu Quán dạy đồ chúng đem bút mực ra để viết bài kệ như sau: “Thất thập dư niên thế giới trung/ Không không sắc sắc diệc dung thông/ Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý/ Hà tất bôn mang vấn tổ tông?” (Tạm dịch: Ngoài bảy mươi năm trong thế giới/ Không không, sắc sắc đã dung thông/ Hôm nay nguyện mãn về chốn cũ/ Nào phải ân cần hỏi tổ tông?”). Sau khi viết bài kệ, ngài dùng trà, ân cần dặn dò đại chúng rồi thân ngồi kiết-già và nhắm mắt thị tịch.
Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng 27 tác phẩm, lấy cảm hứng từ sự an nhiên, tự tại khi nhập pháp. Ấn tượng đầu tiên của nhiều người đến xem triển lãm là hình bóng của Tổ sư Liễu Quán ẩn hiện trong hai tác phẩm “Hình bóng thiền nhân” và “Tịch tĩnh” của họa sĩ Hoàng Thanh Phong. Bằng những nét vẽ tài tình, hình bóng của người tu hành, của thiền nhân hiện lên giữa chốn không gian thanh tịnh, tĩnh mịch trên đồi thông với ánh chiều tà (tác phẩm “Hình bóng thiền nhân”) hay giữa con thuyền chậm rãi trôi trên sông (tác phẩm “Tịch tĩnh”).
Không gian chốn thiền môn yên ắng, phảng phất hương sen hồng được họa sĩ Trần Bích Thủy thể hiện lại bằng chất liệu acrylic qua hai tác phẩm cùng tên “Thiền môn”. Hình ảnh người tu hành đứng trước cửa Phật với bóng lá lấp ló ẩn hiện đến hình ảnh những đóa sen nở rộ tựa như hoa thơm, trái ngọt sau quá trình tu tập, không vướng bụi trần.
Tác phẩm "Sen Tịnh Tâm" của họa sĩ Võ Quang Hoành |
Chùm tranh “Bộ tranh cảm xúc về ngài Tổ Liễu Quán” của họa sĩ Nguyễn Thị Dư Dư bao gồm 5 bức tranh: “Nhớ ngài Tổ”, “Những ngôi chùa ngài Tổ tu tập, thọ giới và xây dựng”, “Tĩnh tâm”, “Hiếu sự”, “Đến và đi” là bản tóm tắt cuộc đời và hoạt động phật sự của Tổ sư Liễu Quán.
Hình ảnh thiền sư xuất hiện trong những bức tranh của họa sĩ Mai Châu, khi thì giữa khung cảnh bình yên giữa thiên nhiên trong tác phẩm “Tọa lý khán Thanh Sơn”, khi lại giữa màn đêm đen trong “Táo tri đăng thị hóa”. Nhưng bất kể hoàn cảnh, bất kể thời gian, người xem đều cảm nhận được sự tĩnh tâm, nhập pháp của những người tu hành.
Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ với sự khéo léo, tài tình trong sử dụng chất liệu lụa tổng hợp và acrylic đã thành công trong việc thể hiện khung cảnh nơi cửa Phật qua những tác phẩm “Bức trực họa chùa Bảo Quốc”, “Sen pháp”, “Vào cửa pháp”.
Quá trình tu hành, thiền định, trải qua những thử thách để thành chánh quả cũng được họa sĩ thể hiện trong “Cầu pháp”, “Pháp hành” và “Pháp trong pháp”.
Với họa sĩ Võ Quang Hoành, chất liệu màu nước giúp họa sĩ thể hiện khung cảnh liễu quán hay sen ở hồ Tịnh Tâm.
Hình ảnh những đóa sen ở hồ Tịnh Tâm vươn mình vào cửa Phật như cũng muốn được tự tại, an nhiên như những con người trong chốn tu hành.
Tính thiện của Phật giáo cũng được họa sĩ thể hiện qua tác phẩm “Phóng sanh”, trao cho những chú chim trong lồng cơ hội để tiếp tục sải cánh tung bay.
Có thể nói, triển lãm “Hoàn Gia Lý” như một đóa hoa hương thanh khiết được kết nên từ lòng thành sâu xa tưởng niệm công đức của Tổ sư Liễu Quán, người đã để lại một di sản tinh thần to lớn cho hậu thế.