Biệt thự 26 Lê Lợi, TP. Huế

Sẽ giữ nguyên ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi

Hồi đầu năm trước, biệt thự số 26 Lê Lợi là một trong hai sự kiện văn hóa lớn của Huế (cùng với việc hồi hương chiếc mũ quan triều Nguyễn) khi tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định sẽ thuê "thần đèn" Nguyễn Văn Cư ở TP. Hồ Chí Minh ra Huế để nghiên cứu, di dời ngôi biệt thự này. Địa điểm dự kiến di dời là khu đất trống phía đối diện ở bờ sông Hương để nhường đất cho dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp. Và “thần đèn” Nguyễn Văn Cư cũng đã nhiều lần về Huế để nghiên cứu, khảo sát, đề xuất các phương án di dời.

Thời điểm đó, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nói "thời gian qua, có rất nhiều phương án được đặt ra để xử lý ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi. Mặc dù ngôi biệt thự này không có tên trong danh sách 27 biệt thự Pháp trên địa bàn thành phố được bảo tồn, tôn tạo, phát huy... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết định giữ lại ngôi biệt thự này ở vị trí đối diện với mong muốn lưu giữ hồn vía cho đô thị Huế trong quá trình phát triển”.

Tuy vậy, theo ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thì đến thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định sẽ giữ nguyên ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi ở vị trí cũ vì nhiều lý do. Trong đó có việc kinh phí cho việc di dời quá lớn. Và quan trọng hơn cả là nền móng và kết cấu của biệt thự này quá yếu, sẽ không đảm bảo độ an toàn khi di dời. “Chúng tôi quyết định sẽ giữ nguyên trạng và yêu cầu nhà đầu tư có phương án bảo tồn ngôi biệt thự khi đầu tư tại khu vực này”, ông Hoàng Hải Minh cho biết.

Trong lý thuyết nghiên cứu về văn hóa, di sản kiến trúc – như ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi được gọi là "ký ức tập thể" của một đô thị vì nó xác định khung cảnh sống của một cộng đồng, tính hợp thức về bản sắc văn hóa và là cơ sở để phát triển xã hội. Ngôi biệt thự được xây dựng đầu thế kỷ 20. Tòa nhà này trước đó do xuống cấp nên từng được sửa chữa vào năm 2000, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu với điểm nổi bật là hàng hoa bách hợp được trang trí ở phần nóc - một nét độc đáo trong kiến trúc các biệt thự cổ Pháp.

Sức mạnh từ tính độc bản và dị biệt

Lưu giữ “hồn vía”, “nơi chốn” hay “ký ức tập thể” cho một vùng đất, một đô thị qua những công trình kiến trúc được bảo tồn và lưu truyền còn góp phần mang lại những đặc trưng văn hóa có tính dị biệt, “độc bản” về văn hóa cho Huế nói riêng và những vùng đất khác nói chung. Và điều này không chỉ ngẫu nhiên đến với một công trình kiến trúc đơn lẻ mà còn là “tư tưởng” có tính xuyên suốt, được trao truyền từ nhiệm kỳ lãnh đạo này sang nhiệm kỳ lãnh đạo khác với rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong văn hóa.

Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm lọt vào danh sách 15 tác phẩm tài liệu xuất sắc ở Oscar năm nay. Và trước khi đến Oscar, “Những đứa trẻ trong sương” tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, đoạt giải Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Docaviv, đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan Phim tài liệu quốc tế 2021 ở Amsterdam, Hà Lan (IDFA 2021).

Theo đạo diễn Hà Lệ Diễm, phản hồi của khán giả từ khắp nơi trên thế giới cho thấy, “Những đứa trẻ trong sương” được đánh giá cao, không chỉ bởi câu chuyện về Di, cô bé H’Mông - nhân vật chính trong phim đã từ chối cuộc hôn nhân từ tục kéo vợ của người H’Mông để tiếp tục hành trình trưởng thành của mình.

“Những đứa trẻ trong sương” còn được yêu thích, tạo sự cuốn hút “bởi bối cảnh và sự phản ánh rõ nét văn hóa bản địa của dân tộc H’Mông ở miền núi phía Bắc, Việt Nam. Đó là những nét văn hóa bản địa mang màu sắc vùng miền dị biệt, độc bản - nhưng khán giả thế giới vẫn yêu thích đặc biệt vì họ đã nhìn thấy chính họ trong tính độc bản của văn hóa khác biệt”.

Suy cho cùng thì sức mạnh của văn hóa trên thế giới phẳng bây giờ là tính độc bản và dị biệt chứ không phải là “hòa tan” để mình cũng giống với thế giới như nhiều người, nhiều địa phương, nhiều quốc gia đang lầm tưởng. Và bộ phim về “Những đứa trẻ trong sương” là một ví dụ đầy sống động!

“Mái nhà” văn nghệ Huế

Di sản kiến trúc, như ngôi biệt thự 26 Lê Lợi, còn là "nơi chốn" thân thuộc gắn bó với cộng đồng nói chung và con người cụ thể. Cụ thể hơn, theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, biệt thự số 26 Lê Lợi, “mái nhà văn nghệ Huế” - trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế từ năm 1975 đến cuối năm 2021 là công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc, có sự giao thoa với kiến trúc bản địa; là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi đẹp nhất thành phố Huế.

“Mâu thuẫn giữa “bảo tồn” và phát triển, nhất là việc bảo tồn ký ức đô thị qua những công trình xây dựng là chuyện rất cũ không chỉ ở Huế mà với rất nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, việc lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chọn phương án dung hòa là giữ nguyên để bảo tồn, cho nó một công năng sử dụng mới trong một không gian hiện đại thay vì đập bỏ, theo tôi là chuyện mới, rất đáng ghi nhận và ủng hộ", ông Hồ Đăng Thanh Ngọc nói.

Bài, ảnh: TƯỜNG MINH - NGỌC HÒA