Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty CP Dệt may Huế |
Nỗ lực vượt khó
Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các thị trường EU, Mỹ đưa ra quy định yêu cầu sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường này phải đảm bảo “đơn hàng sản xuất xanh” mới đáp ứng được điều kiện nhập khẩu cùng với nhu cầu giảm, giá giảm nên nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may thiếu đơn hàng, sản xuất đình trệ.
Đứng trước vô vàn khó khăn, để duy trì và phát triển, đảm bảo việc làm ổn định cho gần 5.000 lao động, Công ty CP Dệt may Huế đã đi theo con đường khác. Đó là xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2023 - 2028 và tầm nhìn đến năm 2035.
Tổng Giám đốc công ty, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, để duy trì và phát triển DN theo hướng bền vững, công ty xây dựng chiến lược đưa Dệt may Huế trở thành đối tác tin cậy của các thương hiệu thời trang lớn cũng như đáp ứng yêu cầu cao nhất của khách hàng; xây dựng hệ thống quản trị bền vững, hiện đại, trong đó hệ thống quản trị bằng các thiết bị tự động hóa và bằng phần mềm; xây dựng Dệt may Huế với nền tảng sản xuất xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng sạch và bảo vệ môi trường; đồng thời tham gia chuỗi cung ứng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Số liệu cập nhật từ Sở Công thương - Biểu đồ: Phòng Xuất bản |
Cùng với chiến lược kinh doanh, để vượt qua khó khăn, đáp ứng với nhu cầu khách hàng, năm 2023 Công ty CP Dệt may Huế đã triển khai nhiều dự án (DA) đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, trong đó đầu tư bổ sung thiết bị nhà máy sợi, đầu tư nhà máy may 3 tầng, xây dựng kho nguyên liệu nhà máy may 4, trang bị hệ thống lò hơi, lò dầu tải nhiệt… Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên năm 2023 doanh thu đạt 1.850 tỷ, đạt hơn 98% kế hoạch đặt ra; lợi nhuận 110 tỷ, đạt gần 93%.
Cùng với lĩnh vực dệt may, sản xuất dăm gỗ cũng gặp khá nhiều khó khăn và sản lượng giảm mạnh, chỉ đạt 780 ngàn tấn, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do sức tiêu thụ thị trường ngành giấy trên thế giới giảm mạnh, các đối tác tại các thị trường truyền thống, như: Nhật Bản, Trung Quốc... đang tạm dừng nhập khẩu hoặc hạ giá sản phẩm (giá giảm 30 - 40% so với năm 2022), nên tồn kho của các DN trên địa bàn hiện rất lớn, các DN phải cắt giảm sản xuất và tích cực tìm giải pháp để tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Sở Công thương, tổng KNXK năm 2023 ước đạt 1.100 triệu USD giảm 2,02% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 79% kế hoạch năm 2023. Trong đó, khu vực DN 100% vốn trong nước đạt 693,35 triệu USD, giảm 4,64%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 406,66 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến KNXK đạt thấp một phần là do kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và khả năng suy thoái, lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ tiếp diễn. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Mặt khác, xung đột tại Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực và rất khó đoán định khiến đầu tư giảm và gián đoạn, dẫn đến giá xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh (giảm 15 - 30% so với năm 2022), trong khi lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao nên DN không thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Nỗ lực đạt ngưỡng 1.210 triệu USD
Nhận định trong năm 2024, tình hình kinh tế - chính trị thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu nên dự báo sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Mặt khác, các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như dệt may, chế biến thủy, hải sản, dăm gỗ... Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị vẫn ở mức cao sẽ tác động tình hình và tiến độ triển khai các DA đầu tư mới, ảnh hưởng đến năng lực tăng thêm của ngành công nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu.
Để đạt doanh thu 1.920 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2023; lợi nhuận 110 tỷ đồng và thu nhập tăng thêm từ 5 - 10%, năm 2024 Công ty CP Dệt may Huế tiếp tục đầu tư bổ sung các thiết bị hiện đại, tự động hóa để đáp ứng nhu cầu khách hàng.Đồng thời, tìm kiếm khách hàng phù hợp với năng lực, trình độ quản lý, tay nghề, thiết bị của DN để có điều kiện tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, DN tiếp tục thay đổi cách thức quản trị, đầu tư thêm thiết bị tự động hóa và xây dựng phần mềm quản trị; đào tạo tay nghề và nâng cao ý thức cho người lao động.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, để thực hiện mục tiêu đưa KNXK năm 2024 tăng 10% so với năm 2023, đạt 1.210 triệu USD, năm 2024 ngành công thương tăng cường phổ biến thông tin bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các cán bộ quản lý nhà nước, DN và người dân về các cam kết đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… bảo đảm thông tin kịp thời, dễ tiếp cận, dễ hiểu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới; thông tin tuyên truyền và hỗ trợ DN tận dụng những cam kết ưu đãi.
Nhiệm vụ quan trọng nữa đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các DA mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư, như nhà máy Kanglongda, Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế; các DA nhà máy may mặc của Công ty Scavi Huế, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú, Công ty Hugeway Limited (Hồng Kông), Công ty JAVN Hong Kong Limited (Hồng Kông); DA nhà máy sản xuất men frit của Công ty CP Vicofrit, Công ty CP Frit Huế..., góp phần tăng năng lực sản xuất và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp tỉnh trong thời gian tới.