Dự án đường đi bộ dọc sông Như Ý từ Đập Đá đến cầu Vân Dương đang được thi công 

Kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn từ phía chủ đầu tư, các đơn vị thi công và nhất là sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, mà cụ thể là các tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

Có thể thấy, năm 2023 được đánh giá là năm khó khăn về nhiều mặt. Do đó, chủ trương chung của Chính phủ là đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đó cũng là lý do vì sao, người đứng đầu Chính phủ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, đi kiểm tra thực tế, ban hành 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện…; duy trì 5 tổ công tác và thành lập 26 đoàn công tác do các thành viên của Chính phủ làm trưởng đoàn để chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ, xử lý các vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra ít nhất là 95% kế hoạch vốn trong năm.

Tại Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân được 5.311 tỷ đồng/hơn 5.758 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công được Chính phủ giao, đạt 92% kế hoạch, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành và nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ  giải ngân của tỉnh đạt 96% kế hoạch. Ngoài ra, năm 2023, tỉnh đã giao bổ sung kế hoạch đầu tư công từ các nguồn vượt thu ngân sách khoảng hơn 1.717 tỷ đồng. Theo lãnh đạo tỉnh, nguồn vốn này sẽ giải ngân hết 100% trong năm 2023.

Dự án mở rộng chỉnh trang đường Phạm Văn Đồng hoàn thiện sẽ góp phần kết nối giao thông liên vùng 

Dù vậy thì vẫn có rất nhiều địa phương, bộ, ngành đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp. Có địa phương đạt chưa tới 40% như Gia Lai. Một số địa phương chưa tới 50% hoặc chỉ trên 50% một chút như Kon Tum, Đồng Nai, Bình Phước…

Có thể thấy, bối cảnh khó khăn chung từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường nguyên, vật liệu biến động…, đến đơn hàng sụt giảm, mất việc làm, thu nhập không ổn định, người dân thắt chặt chi tiêu, song vẫn có những địa phương, bộ, ngành vượt qua được khó khăn để đạt kế hoạch giải ngân tốt. Có nhiều đơn vị giải ngân trên 100% kế hoạch vốn, song vẫn có những địa phương, đơn vị đạt kế hoạch giải ngân thấp. Điều đó cho thấy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vẫn đến từ nguyên nhân chủ quan và từ các chủ đầu tư, người đứng đầu các địa phương, đơn vị.

Tại hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hồi cuối tháng 11/2023, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, nổi lên các nguyên nhân như: Công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế. Một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực. Sự lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số bộ, cơ quan, địa phương còn thiếu quyết liệt. Vai trò người đứng đầu chưa được phát huy, chưa xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

Cũng như nhiều địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt, Thừa Thiên Huế đã có những cách làm hay. Trong đó đáng chú ý là vai trò người đứng đầu, chủ đầu tư các dự án có vốn đầu tư công đã phát huy hiệu quả. Các tổ công tác do lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng đã cho thấy vai trò chỉ huy, đôn đốc, quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn để các dự án triển khai đúng tiến độ. Còn nhớ nhiều lần Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tiến độ các dự án có vốn đầu tư công. Đến đâu nếu phát hiện chủ đầu tư, các đơn vị thi công lơ là, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc giải phóng mặt bằng… là lãnh đạo tỉnh liền phê bình, nhắc nhở và buộc cam kết khắc phục các tồn tại để dự án triển khai sớm nhất. Nhờ thế các dự án như cầu bắc qua sông Hương và đường Nguyễn Hoàng, cầu vượt biển Thuận An… đều đạt tiến độ tốt.

Người dân cũng nhận thấy, ở rất nhiều dự án có vốn đầu tư công trên địa bàn không khó để bắt gặp hình ảnh công nhân tất bật thi công bất kể ngày đêm. Hễ thời tiết thuận lợi là họ làm ba ca. Thậm chí những hôm mưa gió họ cũng tìm cách khắc phục thời tiết, che bạt... để thi công ở những hạng mục có thể. Nhờ thế tiến độ thi công mới đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc đốc thúc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để nhanh chóng giải ngân vốn cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Các tổ công tác cũng như các ban, ngành cũng thường xuyên họp bàn, giao ban để nắm tiến độ. Khó ở đâu gỡ ở đó nên năm 2023, Thừa Thiên Huế mới đạt kết quả giải ngân tốt như thế. 

Thực tế cho thấy, để có thể về đích trong giải ngân vốn đầu tư công thì vai trò, quyết tâm của người đứng đầu/chủ đầu tư các dự án rất quan trọng. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các địa phương - nơi dự án đứng chân trong việc giải phóng mặt bằng. Việc này phải đi trước một bước thì dự án mới triển khai hiệu quả. Bởi gần như các dự án chậm đều do nguyên nhân nhiều nhất đến từ vướng mặt bằng. Bên cạnh đó, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kịp thời xử lý các vướng mắc, sớm hoàn tất các thủ tục để giải ngân… là những kinh nghiệm, cách làm hay mà những địa phương như Thừa Thiên Huế và nhiều tỉnh, bộ, ngành khác đã áp dụng và cho thấy hiệu quả.

Nếu được nhân rộng thì bài toán chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ không khó để tìm lời giải.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ