Lao động nước ngoài đến Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Yonhap/TTXVN |
Chính phủ nước này cũng hoàn tất kế hoạch chấp thuận 165.000 lao động nhập cư không chuyên nghiệp trong năm 2024, đánh dấu số lượng cao nhất mọi thời đại, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang gia tăng.
Sau một cuộc họp của Ủy ban Chính sách Lao động Nước ngoài, Chính phủ Hàn Quốc cho biết, các khách sạn, căn hộ và nhà hàng, cùng nhiều nơi khác sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài đến Hàn Quốc với thị thực lao động không chuyên nghiệp (E-9) theo Hệ thống Giấy phép Lao động.
Theo quyết định này, các khách sạn và căn hộ ở thủ đô Seoul, thành phố Busan, tỉnh Gangwon và đảo nghỉ dưỡng Jeju ở phía Nam có kế hoạch tuyển dụng lao động nước ngoài trên cơ sở thí điểm vào năm tới.
Các ngành khách sạn đã phàn nàn về tình trạng thiếu hụt lao động; đồng thời cho biết, họ không thể tìm được người để tuyển dụng mặc dù lượng khách du lịch đã phục hồi.
Ngoài ra, số lượng người có thị thực E-9 làm việc tại các cơ sở điều dưỡng địa phương và người giúp việc sẽ tăng đều đặn. Vào tháng trước, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố, các ngành mà người có thị thực E-9 có thể làm việc sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực nhà hàng, khai thác mỏ và lâm nghiệp trong năm 2024.
Hệ thống Giấy phép Lao động đã được giới thiệu hồi năm 2004, để cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân lực tuyển dụng lao động nước ngoài một cách hợp pháp. Tuy nhiên, sự sụt giảm về dân số trong độ tuổi lao động của quốc gia này đã làm tăng sự hiện diện của lao động nước ngoài trong một số lượng ngày càng tăng các ngành sử dụng nhiều lao động.
Trong một động thái liên quan, Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định chỉ định Tajikistan là quốc gia gửi lao động thứ 17 theo Hệ thống Giấy phép Lao động. Kể từ năm 2015, 16 quốc gia, bao gồm Philippines, Mông Cổ, Sri Lanka, Việt Nam, Thái Lan, Uzbekistan,… đã gửi lao động đến Hàn Quốc theo hệ thống này.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ chỉ định thêm các quốc gia gửi lao động, sau khi nhận được đơn đăng ký từ những quốc gia có nguyện vọng.
Việc tuyển dụng các nhân viên chăm sóc nước ngoài cũng sẽ gia tăng tại các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc địa phương, trong bối cảnh Bộ Phúc lợi Hàn Quốc có kế hoạch cung cấp những chính sách ưu đãi liên quan đến thường trú đối với những người nước ngoài có thị thực tìm việc D-10, và làm việc tại các cơ sở điều dưỡng địa phương trong hơn 2 năm. Được biết, Bộ Phúc lợi Hàn Quốc ước tính có khoảng 3.000 người có thị thực D-10 đã tốt nghiệp các chuyên ngành đại học liên quan đến y tế và phúc lợi.