Tham quan gian hàng tại Ngày hội trưng bày sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 

Sân chơi cho thanh niên nông thôn

Cuối tháng 11 vừa qua, Tỉnh đoàn tổ chức thành công hai cuộc thi “Khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” và “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023.

Đây là sân chơi quy mô về khởi nghiệp cho các bạn trẻ nông thôn, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp cũng như khích lệ khát vọng làm giàu chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Sau hơn 3 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được nhiều ý tưởng đăng ký tham gia từ các thí sinh và nhóm thí sinh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Nông nghiệp, công nghệ, du lịch, dịch vụ... Hai dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất cũng nhận được khoản vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh đoàn quản lý với lãi suất 0% trong vòng 3 năm.

Đoạt giải Nhất Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn”, anh Nguyễn Phi Trường (huyện Quảng Điền) với dự án “Mai vàng xứ Huế” cho biết, trên thực tế bản thân gắn bó với mô hình kinh doanh mai giống và các sản phẩm từ cây mai có mẫu mã đẹp từ lâu. Đến với cuộc thi lần này, anh Trường mong muốn có cơ hội tham gia sân chơi có chuyên môn và được ban giám khảo tư vấn, hỗ trợ định hướng khởi nghiệp.

“Hiện mô hình đang tạo công ăn việc làm cho 2 lao động thường xuyên và gần 10 lao động thời vụ. Thông qua sự hỗ trợ của Tỉnh đoàn, hy vọng thời gian tới bản thân sẽ mở rộng quy mô để tạo được thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương”, anh Nguyễn Phi Trường chia sẻ.

Với cuộc thi “Khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, cả ba thí sinh tham dự vòng chung kết gồm: Hoàng Duy Khánh; Hồ Thị Hương; A Kiêng Thị Lịch đều không giấu được sự hồ hởi khi được Đoàn thanh niên tạo điều kiện tham gia cuộc thi quy mô lần này. Đối với thanh niên vùng cao, rất cần những cuộc thi như vậy để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và góp phần hiện thức hóa ước mơ làm giàu trên quê hương.

Chia sẻ tại cuộc thi khởi nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Hoàng Thị Thùy Linh cho biết, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế luôn trăn trở và nỗ lực thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, sáng kiến trong thanh niên; thu hút sự hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên nông thôn và thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Không riêng hai cuộc thi trên, vừa qua diễn đàn giữa doanh nghiệp và thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 với chủ đề “Hành trang khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” cũng được tổ chức tại huyện A Lưới và thu hút hơn 300 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Tại diễn đàn, đoàn viên, thanh niên đã trao đổi cùng khách mời xung quanh các vấn đề như: Những lo lắng, suy nghĩ với thị trường lao động; cơ hội cho người trẻ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khởi nghiệp, lập nghiệp; những ngành nghề đang “hot” về khởi nghiệp; cách tiếp cận nguồn vốn để khởi nghiệp; xác định hướng phát triển cho ý tưởng khởi nghiệp… Với những chia sẻ kinh nghiệm từ các khách mời, đoàn viên, thanh niên vùng cao A Lưới đã có cái nhìn khái quát hơn về khởi nghiệp, lập nghiệp cũng như lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến với đông đảo các bạn trẻ.

Đồng hành

Theo thông tin từ Tỉnh đoàn, những năm qua, khởi nghiệp, lập nghiệp là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thực hiện Kế hoạch số 353 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và Kế hoạch số 202 của UBND tỉnh về việc triển khai nội dung về thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức và triển khai nhiều hoạt động thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thống kê sơ bộ đã có gần 30 hoạt động cấp tỉnh để truyền thông về khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ các nguồn vốn; tổ chức các diễn đàn, đối thoại, trao đổi, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; giao lưu giữa doanh nhân thành đạt với thanh niên…

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hoài, các hoạt động đồng hành hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã thể hiện rõ tính hành động của tổ chức Đoàn, của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Qua đó, khẳng định sự đồng hành của tổ chức Đoàn với thanh niên, đồng thời lan tỏa sâu rộng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp để thôi thúc, đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nhân rộng phong trào “Thanh niên khởi nghiệp”, "Tuổi trẻ sáng tạo”. Trong đó, tập trung thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, sáng kiến trong thanh niên; đồng thời thu hút sự đầu tư, đồng hành của các doanh nghiệp để “chắp cánh” cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên nông thôn nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Bài, ảnh: MINH TRANG