Đoàn tàu khách Bắc - Nam đầu tiên khởi hành tại ga Hà Nội ngày 31/12/1976 sau khi hoàn thành khôi phục đường sắt Thống Nhất (Chụp lại ảnh tư liệu) 

Đó là năm Bính Thìn - 1976, cách đây đã gần nửa thế kỷ! Trong lịch sử dân tộc, chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm Ất Mão - 1975 là một thắng lợi vĩ đại, nhưng phải đến tháng 4/1976, với quốc dân đồng bào cũng như trước toàn thế giới, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước là yếu tố “cốt lõi” quyết định việc “chính thức hóa” sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam. Sau tròn ba thập kỷ (kể từ ngày 6/1/1946), đất nước Việt Nam mới lặp lại sự kiện quan trọng bầu cử Quốc hội chung rộn ràng, vui tươi suốt từ mũi Cà Mau đến Mục Nam Quan.

Với riêng tôi, một ngẫu nhiên lý thú, trong ngày hội toàn dân đó, do theo một lớp học, tôi được đi bầu cử tại Thủ đô Hà Nội. Trang nhật ký năm ấy, tôi đã ghi lại khung cảnh “những đám rước đuốc, những đoàn xe với băng cờ đỏ rực và đèn điện sáng trưng giăng quanh hồ Hoàn Kiếm…”. Tối đó, khi hỏi bà chị tôi (cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế) về chi tiết chị đã tham gia hoạt động cách mạng trước 1945 ở Huế như thế nào để khai lý lịch hồ sơ xin kết nạp Đảng. Chị tôi, nhìn trang hồ sơ của tôi và mỉm cười nói, rất vui: “Bạn bè trong lớp có ai nhớ ngày mai là sinh nhật của Phê không, hay được vui chung cùng Nhân dân Thủ đô quanh Hồ Gươm là đủ sướng rồi…!”

Thời đó vừa ra khỏi chiến tranh, ít người nghĩ đến chuyện “mừng sinh nhật”. Bản thân cũng… quên (tôi sinh ngày 26/4 tại Huế). Chỉ một lần trên đường Trường Sơn, chợt nhớ ngày sinh vì trước đó một ngày, tôi suýt chết nên đã ghi nhật ký “chưa biết chết lúc nào, nhớ chi ngày sinh!...). Vậy mà… Trời cho tôi còn sống đến hôm nay để kể chuyện những ngày vui năm Thìn 48 năm trước.

Mùa Xuân Bính Thìn - 1976, cùng với sự kiện bầu cử Quốc hội thống nhất, cả nước và nhất là đồng bào dải đất “Bình Trị Thiên khói lửa” còn có niềm vui chờ đón những đoạn đường, những nhịp cầu trên đường sắt Thống Nhất nối tiếp nhau hoàn thành để sớm được nghe tiếng đoàn tàu rầm rập chạy suốt từ Hà Nội, băng qua giới tuyến, hân hoan kéo còi vào ga Huế. Một tháng sau ngày bầu cử, trong dịp thâm nhập các đơn vị xây dựng đường sắt Thống Nhất, lần thứ hai, tôi có dịp trở lại Huế - nơi tôi đã cất tiếng chào đời 37 năm trước.

Gần nửa thế kỷ đã qua từ những ngày vui ấy, nhưng tôi không thể nào quên giờ phút đặt chân lên sân ngôi biệt thự 26 Lê Lợi bên sông Hương cùng chiếc xe đạp cọc cạch, với chút e ngại. Thì một anh chàng chẳng có tí dáng dấp nào của giới văn, nghệ sĩ, ăn mang đặc sệt kiểu “cán bộ miền Bắc”, lại từ một công trường ngổn ngang sắt đá trên đường sắt Thống Nhất đang gấp gáp hoàn thiện, lần đầu “ra mắt” trước các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn danh tiếng của vùng núi Ngự sông Hương thanh lịch liệu sẽ được “tiếp đón” ra sao?... Nhưng thật không ngờ, tôi bước vào ngôi nhà từ đó trở thành nơi hội tụ đầm ấm của giới văn, nghệ sĩ không chỉ của Huế suốt nhiều thập kỷ với một sự thoải mái, tự nhiên như trở về nhà mình. Mà còn chi ngăn trở nữa, sau cuộc bầu cử để Tổ quốc thực sự liền một dải. Và tình văn nghệ – những con người cùng hướng tới “Chân - Thiện - Mỹ” vốn không biên giới. Ngẫu nhiên thú vị là vừa lúc một nhóm văn, nghệ sĩ đang chuẩn bị “cụng ly” vui vẻ, lấy cớ mừng sinh nhật một vị cao niên. Thế là tôi nhập cuộc một cách “vô tư” với những Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ… toàn những tên tuổi lừng danh không chỉ với Huế. Niềm vui đất nước thống nhất hiện hữu, cụ thể qua những nụ cười cởi mở, những cái bắt tay nồng ấm, giữa những con người từng ở hai bên chiến tuyến. Sẵn còn bao thuốc lá “Điện Biên” trong túi – tôi không hút thuốc nhưng mang theo phòng khi cần “giao tiếp” với cán bộ trên công trường đường sắt, vội đem ra mời những người bạn mới. Hoàng Phủ Ngọc Tường và Trịnh Công Sơn liền đem ra quán, đổi lấy một bao “Nông”, hút đậm hơn, lại còn lãi đến 6 hào!...

Đọc lại trang Nhật ký năm Thìn 48 năm trước, tôi vẫn phải cười thầm. Không ngờ các vị văn, nghệ sĩ tài danh mà cũng giản dị và cụ thể đến thế! Cũng không quên hình ảnh nhạc sĩ họ Trịnh cởi trần, thân mình chỉ thấy toàn “xương xóc”, chuyện trò cởi mở, uống rượu nhắm với chút “mồi” chứ hầu như không ăn cơm. Khi biết tôi cùng tuổi Kỷ Mão với anh, Trịnh Công Sơn chạm cốc, vừa ăn uống vừa hút thuốc, giọng càng thân tình, vui vẻ: “Trước đây, mình còn hai tay hai điếu…”. Vậy mà mới một năm trước, ngày 26/3/1975, khi nghe tin Huế được giải phóng, tôi còn phải “nghe trộm” qua ra-đi-ô những ca khúc của anh mà lúc đó gọi là “nhạc vàng”! Ôi chao! Niềm vui thống nhất đất nước năm Thìn 1976 là đây chứ đâu xa!

Chỉ ít lâu sau cuộc găp gỡ tại 26 Lê Lợi, “lợi dụng” vị thế là người quen cũ của ngành giao thông, tôi rủ hai nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họa sĩ Bửu Chỉ đi ra Thạch Hãn xem lao cầu. Sông Thạch Hãn là một địa chỉ lịch sử - đây là giới tuyến hai miền sau Hiệp định Paris Xuân 1973 và là nơi hai bên trao trả tù binh. Cầu Thạch Hãn là công trình cuối cùng quan trọng nhất trên tuyến đường sắt Thống Nhất sắp hoàn thành. Tôi rủ các văn, nghệ sĩ tên tuổi Huế ra xem lao cầu Thạch Hãn là vì thế. Chúng tôi chăm chú dõi theo nhịp cầu sắt nặng cả trăm tấn từ từ chuyển dịch trên những con lăn, từng phút vươn ra khoảng trống phía trước, lòng hồi hộp trước công đoạn kỹ thuật quan trọng, khó khăn mà cũng vui sướng nhất trong nghề xây dựng cầu; đồng thời cũng bồi hồi xao xuyến trước giây phút khi đôi bờ “sông tuyến” được nối liền.

Trước thềm năm Giáp Thìn, nhớ lại cảnh tượng đặc biệt năm Bính Thìn 48 năm trước, tôi hình dung nhịp cầu Thạch Hãn được nối dài phần “đối trọng”, với những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió khi lao cầu ra khoảng trống mênh mông trên dòng sông trong xanh, trông có khác chi một con Rồng khổng lồ đang vươn mình trên đường bay. Phải! Sau sự kiện bầu cử Quốc hội thống nhất cả nước, những nhịp cầu nối đôi bờ Thạch Hãn, cùng với tuyến đường sắt Thống Nhất Bắc Nam vào năm Bính Thìn - 1976, Tổ Quốc Việt Nam ngày một “nối vòng tay lớn”, làm bạn với cả thế giới và mạnh mẽ tiến bước trên con đường HÓA RỒNG!

NGUYỄN KHẮC PHÊ