Thủ tướng đề nghị đề đại biểu đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới để thực hiện mục tiêu "nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái"- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ đề hội nghị đối thoại đó là: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”.

Tham dự hội đối thoại tại Văn phòng Chính phủ có trên 70 nông dân tiêu biểu, đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh...

Tại hội nghị, 6 nhóm vấn đề, bà con nông dân quan tâm, muốn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải đáp.

Cụ thể, bà con nông dân mong muốn Chính phủ có các chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết (NQ) 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện NQ số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị.

Nhiều ý kiến, đề xuất, nguyện vọng quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành.

 Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Nông dân đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp như hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số. Thứ tư, về các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông dân, nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững.

Kiến nghị đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề chưa khoa học, thiếu tính khả thi... để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống.

Đồng thời mong muốn, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân như: Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp, ở đô thị hay đi xuất khẩu lao động (do hết hạn hợp đồng, dịch bệnh, tuổi tác, sức khỏe, kỹ năng, tay nghề không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI) quay về nông thôn...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp trả lời, giải đáp những thắc mắc của nông dân. Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì và giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt trực tiếp tổ chức thực hiện. Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Hải Dương; lần thứ 2 được tổ chức tại TP. Cần Thơ; lần thứ ba được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); lần thứ tư được tổ chức tại TP. Sơn La (tỉnh Sơn La). 

Sau hội nghị, Văn phòng Chính phủ sẽ có công văn gửi các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ.
L.THỌ