Màn bắn pháo hoa mừng Năm mới ở Sydney (Australia). Ảnh minh hoạ: msn.com/TTXVN/Báo Tin tức 
 Theo dự báo, mưa ở thành phố lớn nhất New Zealand là Auckland dự kiến sẽ giảm bớt vào nửa đêm, khi công trình kiến trúc cao nhất của nước này là Auckland Sky Tower bắn pháo hoa, thể hiện màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục hàng năm.

Theo chính quyền thành phố, hai giờ sau tại nước láng giềng Australia, Cầu Cảng Sydney sẽ trở thành tâm điểm của màn trình diễn ánh sáng và bắn pháo hoa vào lúc nửa đêm.

Chính quyền Australia cho biết trong một tuyên bố, hơn bao giờ hết, nhiều cảnh sát đã được triển khai làm nhiệm vụ ở khắp Sydney để đảm bảo an toàn cho người dân vui chơi, đặc biệt là khi hơn 1 triệu người – tương đương với 1/5 dân số Sydney – tụ hội về bến cảng để có được tầm nhìn tốt nhất.

Được biết từ sáng ngày 31/12, nhiều người đã chọn những vị trí tốt nhất và cắm trại, chờ đến giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Trong khi đó tại Mỹ, tại Quảng trường Thời đại ở New York, các quan chức và ban tổ chức cho biết họ đã sẵn sàng chào đón đám đông đến vui chơi mừng Năm mới và đảm bảo an toàn cho mọi người.

Cụ thể, tại cuộc họp báo về an ninh diễn ra vào ngày 29/12, Thị trưởng Thành phố New York Eric Adams cho biết, “không có mối đe doạ cụ thể nào” đối với lễ đón Giao thừa hàng năm, dự kiến sẽ thu hút hàng chục ngàn người đổ về trung tâm Manhattan.

Ban tổ chức thông tin, lượng người tham gia đếm ngược mừng Năm mới tại Quảng trường sẽ trở lại mức trước dịch, ngay cả khi lượng người đi bộ xung quanh Quảng trường Thời đại vẫn giảm nhẹ kể từ sau khi đại dịch bùng phát.

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình gần như diễn ra hàng ngày ở New York vì nhiều lý do, cảnh sát cho biết họ sẽ mở rộng vành đai an ninh xung quanh “bữa tiệc cuối năm”, qua đó tạo ra một “vùng đệm” cho phép họ ngăn chặn tối đa nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình vào thời điểm này. Trong đó, cảnh sát sẽ dẫn theo chó nghiệp vụ, cưỡi ngựa, dùng trực thăng…, cùng với đó các quan chức cũng sẽ giám sát tình hình biểu tình bằng máy bay không người lái để đảm bảo an toàn tối đa cho sự kiện năm nay.

Tại Pakistan, quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, chính phủ đã cấm tất cả các hoạt động ăn mừng đêm Giao thừa như một hành động thể hiện sự thông cảm và sẻ chia với người dân Palestine.

Trong một thông điệp mới đây, Thủ tướng tạm quyền của Pakistan Anwaar-ul-Haq Kakar kêu gọi người dân Pakistan “thể hiện tình đoàn kết với những người bị tổn thương ở Gaza” bằng cách đón năm mới một cách đơn giản.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)