Giao dịch ở Vietcombank Huế |
Mới đây, Techcombank thông báo giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Trước đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh như BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank và các ngân hàng thương mại cổ phần cũng không dưới 2-3 lần giảm lãi suất huy động. Hiện ở kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động đã xuống thấp nhất lịch sử và cách xa trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2023 sắp kết thúc, năm mới đã cận kề, và cuộc đua giảm lãi suất huy động vẫn chưa dừng lại. Diễn biến này là điều hiếm thấy, bởi thông thường các ngân hàng thương mại sẽ đua nhau hút tiền gửi khách hàng trong những tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu cho vay trong mùa cao điểm. Động thái liên tục đưa lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục cũng đang phản ánh tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng do tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp.
Giám đốc một ngân hàng ở Huế cho rằng, các nhà băng đưa lãi suất tiết kiệm “chạm đáy” bởi họ đưa ra thông điệp người dân không nên kỳ vọng vào lãi suất nữa. Dòng tiền này nên đẩy ra thị trường vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư… “Thực tế, lượng tiền lớn vẫn chảy ngược lại ngân hàng bất chấp lãi suất giảm. Hiện người dân không biết đầu tư vào đâu nên ngân hàng buộc phải tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiết kiệm”, vị này nói.
Theo tìm hiểu, dù lãi suất huy động không ngừng giảm nhưng lãi suất cho vay với khách hàng cũ và mới vẫn neo ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn “oằn mình” gánh lãi suất từ 10 - 11%/năm. Các ngân hàng vẫn lấy lý do huy động lãi cao từ trước nên chưa thể hạ nhanh lãi suất cho vay.
Đầu năm 2023, anh Trần Văn K. vay ở Vietcombank Huế 500 triệu đồng để mua ô tô với lãi suất gần 11%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay của Vietcombank đã giảm khoảng 1/3, anh K. trao đổi trực tiếp với cán bộ tín dụng để trả và vay lại nhưng xem ra không khả thi. “Nếu “đảo nợ” thì ngân hàng sẽ “phạt” 2% trên tổng dư nợ cộng thêm phí làm hồ sơ vay mới thì gần bằng lãi suất cho vay cũ”, anh K. tính toán.
Anh L C V. ở đường Ngự Bình (TP. Huế), một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho hay: Các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với khó khăn về nguồn vốn. Dù các ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay, nhưng hiện vẫn ở mức khoảng 10%/năm. Không những lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp bất động sản còn gặp vướng mắc ở khâu hồ sơ vay. Nhiều doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hoặc có tài sản nhưng vẫn không vay được hoặc chỉ vay được rất ít.
Dù lãi suất cho vay hạ, nhưng tâm lý lưỡng lự giữa việc mua ngay hay chờ lãi suất này giảm thêm chính là nguyên nhân khiến dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản gần như đứng im.
Sau khi lãi suất huy động về đáy, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà. Lãi suất ưu đãi khi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng hiện dao động khoảng 6-10%/năm, áp dụng ở kỳ hạn vay ngắn từ 3-6 tháng. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 9-12%/năm.
So với đầu năm 2023, lãi suất cho vay mua nhà đất tại nhiều ngân hàng đã giảm khoảng 2-4%/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2020 - 2021, lãi suất cho vay mua nhà vẫn cao hơn. Nhiều người có ý định mua nhà vẫn đắn đo vì cho rằng mức lãi suất cho vay mua nhà hiện còn cao so với khả năng trả nợ và kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm.
Theo các ngân hàng, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang tăng nhưng chủ yếu là cho vay kinh doanh bất động sản, còn dư nợ cho vay cá nhân vẫn chậm, thậm chí một số ngân hàng giảm.
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn…