Máy bay bốc cháy dữ dội sau va chạm ở sân bay Haneda ở Tokyo (Nhật Bản) ngày 2/1/2024. Ảnh minh hoạ: Kyodo/TTXVN/Báo Tin tức |
Cụ thể, tất cả 379 hành khách trên chiếc Airbus A350 của Japan Airlines đã được sơ tán kịp thời sau khi máy bay này va chạm với động cơ phản lực của một máy bay tuần duyên De Haviland Dash-8 của Cảnh sát biển Nhật Bản, khiến 5 trong số 6 phi hành đoàn trên chiếc máy bay nhỏ này thiệt mạng.
Uỷ ban Vận tải An toàn Giao thông Nhật Bản (JTSB) sẽ dẫn đầu cuộc điều tra với sự tham gia của các cơ quan ở Pháp, nơi chiếc máy bay được chế tạo.
Các chuyên gia cảnh báo, hiện vẫn còn quá sớm để xác định nguyên nhân và nhấn mạnh rằng hầu hết các vụ tai nạn đều do nhiều yếu tố gây ra.
Một quan chức của Uỷ ban thông tin, chiếc A350 đang cố gắng hạ cánh bình thường thì va chạm với máy bay tuần duyên của Cảnh sát biển. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên sẽ là khôi phục hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm giọng nói trong buồng lái.
Vị trí xảy ra vụ tai nạn sẽ gồm bằng chứng vật lý, dữ liệu radar và lời kể của nhân chứng hoặc cảnh quay ghi lại bởi camera có thể sẽ có sẵn, dễ dàng thu thập, từ đó giúp giảm bớt khối lượng nhiệm vụ khổng lồ trong quá trình điều tra.
Vụ tai nạn này được xem là vụ nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến Airbus A350, máy bay phản lực đường dài hai động cơ hàng đầu châu Âu, được đưa vào sử dụng từ năm 2015.
Theo dữ liệu sơ bộ năm 2023, vụ va chạm của máy bay Cảnh sát biển với một chiếc máy bay phản lực có chiều dài gấp 3 lần nó đã xảy ra ở một trong những năm an toàn nhất trong ngành hàng không.
Mặc dù các vụ va chạm trên mặt đất gây thương tích hoặc thiệt hại đã trở nên hiếm gặp, nhưng khả năng gây tử vong của chúng lại nằm ở mức cao nhất so với bất kỳ loại va chạm và suýt va chạm vốn xảy ra phổ biến hơn khác.
Đối với vụ việc lần này, vụ va chạm xảy ra chỉ một tháng sau khi một nhóm các chuyên gia an toàn đã cảnh báo về nguy cơ va chạm đường băng hoặc “xâm nhập đường băng”.
Cụ thể, Tổ chức An toàn Hàng không kêu gọi hành động toàn cầu đề ngăn chặn sự gia tăng mới của số vụ xâm nhập vào đường băng, khi “giao thông trên bầu trời trở nên tắc nghẽn hơn”.
Giám đốc điều hành Tổ chức An toàn Hàng không Hassan Shahidi cho biết trong một tuyên bố: “Bất chấp nỗ lực trong nhiều năm để ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc xâm nhập đường băng, cuối cùng chúng vẫn xảy ra. Nguy cơ xâm nhập đường băng là mối lo ngại toàn cầu và hậu quả tiềm ẩn của một vụ xâm nhập đường băng là rất nghiêm trọng”.
Tổ chức có trụ sở tại Washington này đã phát hiện ra rằng sự cố trong giao tiếp và phối hợp có thể liên quan trong các vụ tai nạn đường băng. Nhưng tình trạng thiếu thiết bị điện tử để tránh va chạm trên mặt đất, thay vì trên không, nơi phần mềm kích hoạt tránh va chạm đã có từ những năm 1980, cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Giám đốc Hassan Shahidi nhận định: “Nhiều sự cố nghiêm trọng có thể tránh được thông qua các công nghệ nhận diện tình huống tốt hơn. Trong đó các công nghệ này có thể giúp kiểm soát viên không lưu và phi công phát hiện các xung đột đường băng tiềm ẩn”.
Steve Creamer, Cựu Giám đốc cấp cao của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho biết, việc ngăn chặn máy bay hạ cánh đâm vào máy bay khác là một trong năm ưu tiên an toàn hàng đầu toàn cầu.
Mặc dù số lần hạ cánh tự động ngày càng tăng, các chuyên gia vẫn cho rằng phần lớn vẫn phụ thuộc vào việc kiểm tra trực quan của phi công, những người có thể bị phân tâm vì khối lượng công việc nhiều hoặc đường băng bị mờ vào bam đêm.
John Cox, Cựu Điều tra viên về tai nạn hàng không Mỹ cho rằng cuộc điều tra của Nhật Bản sẽ tập trung nhiều vào giấy phép và sau đó là những gì phi hành đoàn có thể nhìn thấy, mà cụ thể là về việc họ có thể nhìn thấy chiếc máy bay tuần duyên nhỏ trên đường băng hay không.