Chính phủ các nước cần triển khai các gói chính sách phù hợp để năm 2024 diễn ra suôn sẻ và thành công. Ảnh minh hoạ: Bloomberg/Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân

Năm 2023 là năm đầu tiên kể từ năm 2019 nền kinh tế toàn cầu tương đối không có cú sốc, theo nghĩa là không có sự lặp lại của đại dịch năm 2020, tắc nghẽn chuỗi cung ứng 2021… Hiện tại, trong bối cảnh trên thế giới xuất hiện nhiều xung đột, nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa ở mức tốt khi năm 2024 bắt đầu.

Về những vấn đề đáng chú ý:

Các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất

Lãi suất cao hơn từ tất cả các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới (trừ Ngân hàng Nhật Bản) đã mang lại hiệu quả như mong muốn. Lạm phát đang trên đà giảm ở các nền kinh tế phát triển và cho đến nay, “tác dụng phụ” vẫn chưa nghiêm trọng như lo ngại vốn đã diễn ra vào thời điểm này của năm ngoái. Nhưng với sự suy thoái đang diễn ra ở Mỹ và đây cũng là mối đe doạ tiềm tàng ở Anh và Khu vực đồng Euro, giờ đây, sự chú ý đang tập trung vào việc khi nào chi phí đi vay sẽ được cắt giảm và ngân hàng trung ương nào sẽ là “đơn vị tiên phong hành động” đầu tiên.

Nhận định về vấn đề này, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics Neil Shearing cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ hành động nhanh hơn Ngân hàng Trung ương châu Âu, mặc dù tăng trưởng ở Khu vực đồng Euro là “tệ hơn đáng kể”…

Khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, các vấn đề đang gia tăng đối với các quốc gia nghèo nhất thế giới. Trong đó, nhiều nước đã bị mắc kẹt bởi tác động kép của tốc độ tăng trưởng yếu hơn và lãi suất tăng cao. Các quốc gia vay nhiều hơn bằng đồng dollar Mỹ trong những năm 2010 đã chứng kiến số tiền hoàn trả tăng vọt lên mức kỷ lục trong những năm gần đây. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong 3 năm qua đã có 18 vụ vỡ nợ quốc gia, nhiều hơn cả hai thập kỷ trước cộng lại.

Danh sách các nước đang vật lộn với nợ bao gồm Ai Cập, Ethiopia, Kenya, Lebanon và Pakistan. Kế hoạch giảm nợ do G20 thiết lập vào năm 2020 cho đến nay chỉ mang lại sự trợ giúp kinh tế khiêm tốn đối với một số quốc gia.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Indermit Gill cho biết: “Mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều quốc gia vào con đường khủng hoảng”.

Sự trỗi dậy không thể ngăn cản của AI sáng tạo

Một trong những lĩnh vực đã và đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt nhất của các cường quốc trên thế giới là cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tổng hợp, trong đó công nghệ có thể tạo ra văn bản, video và các dạng nội dung khác với tốc độ gần như là ngay lập tức. Nhiều chuyên gia coi AI sáng tạo là sự kế thừa cho năng lượng hơi nước, điện và Internet: Một công nghệ có mục đích chung là sẽ biến đổi nền kinh tế và xã hội.

Được biết, AI thế hệ mới xuất hiện một cách thành công vào năm 2023 và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nó sẽ tiếp tục vào năm 2024.

Về mặt tích cực, AI có khả năng đưa các nước thoát khỏi thời kỳ năng suất thấp kéo dài, với lợi ích lớn nhất dành cho các nước triển khai áp dụng nhanh nhất.

Về mặt tiêu cực, vẫn có những lo ngại rằng tác động của AI vẫn chưa được tính toán kỹ lưỡng, với “máy móc thông minh” có khả năng dẫn đến sự tập trung vào của cải và quyền lực, từ đó làm gián đoạn thị trường lao động, ảnh hưởng đến bầu cử và thậm chí gây ra mối đe doạ hiện hữu cho con người.

Một đặc điểm của năm 2024 sẽ là các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn với những thách thức pháp lý do công nghệ mới đặt ra, chúng bao gồm việc đảo bảo rằng lợi ích không tập trung vào tay một số công ty công nghệ lớn; thúc đẩy tái đào tạo lực lượng lao động và giải quyết việc sử dụng AI tổng hợp để tạo ra nội dung giả mạo…

Bên cạnh những vấn đề này, các mối quan tâm và cần theo dõi đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2024 còn có cắt giảm thuế trước bầu cử, mối quan tâm đối với tình hình xung đột Mỹ - Trung và giá dầu… Trên đây đều là những vấn đề lớn, qua đó đòi hỏi chính phủ của các nước thúc đẩy hành động phù hợp, thận trọng nhưng vẫn phải đúng thời điểm để năm 2024 diễn ra suôn sẻ.

Đan Lê (Lược dịch từ The Guardian)