Thế là dân Việt của chúng ta cũng đã có người tham gia vào cuộc chơi “độc - lạ”.
Mà cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Cái gì hiếm mà chẳng có giá cao. Có khi giá cao khó hình dung không phải là giá trị mà nó mang lại mà vì nhiều người muốn có nó. Lấy một ví dụ như sâm Ngọc Linh chẳng hạn. Vẫn là củ sâm Ngọc Linh đấy thôi, cũng chừng đấy năm tuổi đấy thôi, dưỡng chất, nói nôm na là “độ bổ dưỡng” vẫn như vậy, nhưng nhiều năm trước đây có giá khác, giờ thì giá đã cao khác rồi. Giá khác không phải dưỡng chất thay đổi mà giờ đây dân mình nhiều người giàu có hơn, nhiều người muốn được sử dụng nó. Đối với người nhiều tiền, họ đã muốn sở hữu thì có khi tiền bạc… chẳng là gì, đối với họ là điều bình thường!? Xét về mặt quản lý nhà nước, biển số nào cũng như nhau, nó chỉ có ý nghĩa để Nhà nước quản lý, kiểm soát, biết biển số này là của xe anh A, biển số kia là của xe chị B… thế thôi.
Những người tham gia cuộc đấu giá họ có cái lý, sự thích thú riêng của họ. Cũng có thể là muốn sở hữu một cái gì đó độc, lạ và duy nhất; cũng có thể là thể hiện đẳng cấp, sự giàu có; cũng có thể họ mong muốn một ý nghĩa tâm linh nào đó… Đã mong muốn rồi, lại lắm tiền thì việc gì “không chơi”. Nhưng đối với số đông người dân bình thường khi đọc, nghe những thông tin như vậy, họ thấy lạ, đôi khi là quá sức hình dung đối với họ. Đã lạ thì hay bàn tán. Tỷ như: chà, cho mình chừng ấy tiền thì mình sẽ mở một công ty để làm ăn, kinh doanh cái này, kinh doanh cái kia; người khác thì mong ước có tiền để làm một cái nhà; người khác nữa thì sẽ dành một phần để làm từ thiện…
Ai bàn tán thế nào thì cứ bàn. Ai mạnh tay chi tiền mặc ai. Riêng Nhà nước thì không bàn, có mục tiêu hẳn hoi. Cái tài của Nhà nước là ở chỗ ấy - đọc được nhu cầu có thực của một bộ phận người dân, “bày” ra một việc để đáp ứng nhu cầu ấy, tức là phục vụ cho nhu cầu người dân nhưng Nhà nước thì lại có thêm tiền. Mới 2 biển số xe thôi mà giá trúng đấu giá đã tròm trèm hơn 60 tỷ đồng.
Suy đi nghĩ lại, biển số xe cũng là một thứ “tài nguyên”, tức là nó có giá. Nó có giá nhưng từ trước đến nay chúng ta không biến nó thành giá trị. Thứ tài nguyên này có khi không được sử dụng một cách công khai, minh bạch, như đấu giá hiện tại để làm lợi cho Nhà nước. Không thể khẳng định nhưng có thể chúng ta đã từng làm lãng phí một thứ tài nguyên, như nhiều loại tài nguyên khác. Nhà nước không thu được lợi thì sẽ có người thu được lợi. Đất đai, tài nguyên khoáng sản, chẳng hạn, đã từng là miếng đất màu mỡ cho lợi ích nhóm. Càng công khai, minh bạch sẽ càng ít thất thoát, ít lợi ích nhóm. Và, quyền lợi của Nhà nước thu được nhiều hơn. Ai mạnh tay chi tiền cũng được nhưng quyền lợi của Nhà nước thì phải tuyệt đối gìn giữ.