Với việc sa thải hàng loạt, mức độ hài lòng và gắn kết của nhân viên cũng đã bị giảm sút. Ảnh minh họa: Mekong ASEAN 

Aaron Terrazas, nhà kinh tế trưởng tại Glassdoor chia sẻ với phóng viên của CNBC rằng: “Nhiều doanh nghiệp đã phải đưa ra những quyết định khó khăn để giảm số lượng nhân viên, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn kinh tế vào đầu năm 2023”.

Tuy nhiên, với việc sa thải hàng loạt, mức độ hài lòng và gắn kết của nhân viên cũng đã bị giảm sút, đồng thời tăng áp lực đối với các nhà quản lý cấp trung, điều mà nhà kinh tế Aaron Terrazas dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024.

Trong một thông tin đáng chú ý, báo cáo Xu hướng nơi làm việc của Glassdoor 2024, xuất bản vào tháng 11/2023 đã phân tích và tổng hợp ý kiến của nhân viên tại hơn 100 công ty đã trải qua đợt sa thải lớn để tìm ra khía cạnh nào của sự hài lòng đối với nhân viên, quản lý cấp trung trở xuống đang bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Kết quả của báo cáo là những gì nhà kinh tế trưởng Aaron Terrazas tin tưởng các công ty sẽ triển khai để nâng cao tinh thần của nhân viên trong năm tới. Cùng với đó, cũng khám phá ra sự không hài lòng của nhân viên sẽ được các nhà quản lý cấp trung cảm nhận như thế nào.

Áp dụng chính sách “củ cà rốt” đối với nhân viên

Báo cáo cho thấy, xét về mức độ hài lòng của nhân viên, 30 ngày đầu tiên sau khi sa thải, họ đều đánh giá xếp hạng chung của công ty giảm trên tất cả các khía cạnh, từ sự tin tưởng, hài lòng đối với CEO đến sự đa dạng và hòa nhập. Mặc dù theo thời gian, những hạng mục này bắt đầu xếp hạng ổn định dần, nhưng Glassdor vẫn nhận thấy rằng xếp hạng về văn hóa và giá trị, cũng như sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống vẫn tiếp tục giảm. Điều này có thể kéo dài 5 tháng sau khi việc sa thải diễn ra.

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của việc sa thải đối với văn hóa công sở, sự gắn kết của nhân viên và các mối quan tâm về khả năng cân bằng và cuộc sống. Cảm giác kiệt sức sẽ được cảm nhận nhiều hơn về lâu dài.

Trong quá khứ, tăng lương là cách nhanh nhất để nâng cao tinh thần của nhân viên còn lại. Tuy nhiên, ngân sách doanh nghiệp đang căng thẳng nên khó có khả năng chính sách này sẽ được tái sử dụng trong thời gian tới.

“Tôi cho rằng họ sẽ cố gắng triển khai nhiều chính sách khác ngoài việc đền bù bằng cách tăng lương. Một trong những hành động được nhắc đến là chính sách củ cà rốt”, nhà kinh tế trưởng Aaron Terrazas chia sẻ.

Được biết, các nhà kinh tế học thường phân biệt các chính sách nhằm thúc đẩy sự gắn kết và hiệu suất của nhân viên, như chính sách củ cà rốt (dùng để khuyến khích) hay chính sách cây gậy (đề cập đến các biện pháp phạt).

Đối với chính sách củ cà rốt, có thể kể đến như tăng lương hoặc đưa ra các đặc quyền như bữa trưa miễn phí tại nhà ăn. Tuy nhiên, đối với những hình phạt có trong chính sách cây gậy, những điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sự hài lòng của nhân viên.

Nhận thấy rằng sự hài lòng và sự gắn kết của nhân viên đều đang bị ảnh hưởng, các chuyên gia cho rằng các nhà quản lý nên làm cho nhân viên của mình cảm thấy được lắng nghe nhiều hơn để cải thiện tình hình, bên cạnh các cách làm truyền thống như khen và phạt.

Quản lý cấp trung sẽ cảm nhận được sức nóng

Có thể nói rằng, các đợt sa thải là một giai đoạn khó khăn đối với các nhà quản lý cấp trung và điều này thậm chí có thể nghiêm trọng hơn vào năm 2024.

Theo đó, trong thời điểm khó khăn và cắt giảm chi phí này, các nhà quản lý cấp trung cảm thấy áp lực từ cả hai đầu của hệ thống phân cấp nơi làm việc. Cụ thể, họ được giao nhiệm vụ thúc đẩy nhân viên cấp dưới tăng năng suất, đồng thời cũng phải thực hiện các chính sách về việc cắt giảm quy mô lao động …

Trước tình hình này, báo cáo đã chỉ ra rằng đối với các công ty lớn nói chung, xếp hạng cân bằng giữa công việc và cuộc sống của các nhà quản lý cấp trung đã và đang giảm mạnh.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)