Công ty TNHH Baosteel Can Making (Việt Nam) tại KCN Phú Bài đã có lộ trình xây dựng KTTH, giảm thải bằng 0 vào năm 2050 |
Gần đây, KTTH được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhắc đến nhiều và yêu cầu các lĩnh vực cùng tham gia thực hiện. Trong đó, công nghiệp, nông nghiệp là hai lĩnh vực được quan tâm hơn, vì sản phẩm đưa đi xuất khẩu qua hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sản xuất theo mô hình KTTH sẽ giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm phát thải, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế được những diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu vào các nước trên thế giới ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã và hàng loạt quy định khác đi kèm, như: sản phẩm phải thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu tái chế, ít phát thải… Trong bối cảnh người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, đơn hàng giảm thì những doanh nghiệp (DN) đáp ứng các tiêu chí do các nhãn hàng đưa ra sẽ có cơ hội giành được nhiều đơn hàng hơn. Không chỉ hiện tại mà trong tương lai, DN, ngành hàng đi trước trong ứng dụng công nghệ tham gia vào KTTH sẽ tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Tại Thừa Thiên Huế, một số mặt hàng xuất khẩu đang nằm trong tốp đầu ở Việt Nam, như: chế biến thủy sản, dệt may, dăm gỗ, xi măng… Các sản phẩm này đang được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, theo TS. Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, người tiêu dùng ở các thị trường trên ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa, phải có nguồn gốc rõ ràng và ưu tiên những sản phẩm sản xuất theo mô hình KTTH hướng đến phát triển bền vững. DN muốn hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này buộc phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện KTTH.
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, hiện nhiều nhà máy của DN châu Âu ở Việt Nam đã ứng dụng KTTH và có phát thải bằng 0. Từ nhiều năm nay, Thừa Thiên Huế đều đưa ra tiêu chí trong thu hút đầu tư, lựa chọn những dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường không ngoài mục đích để xây dựng mô hình KTTH. Đến nay, nhiều DN ở địa phương đã có lộ trình thực hiện KTTH, kinh tế xanh để đảm bảo hàng hóa có thể vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao trên thế giới, như Phenikka Huế, tại KCN Phong Điền; Công ty TNHH Baosteel Can Making (Việt Nam) tại KCN Phú Bài… Những DN đi đầu trong sản xuất tuần hoàn cũng tác động tích cực đến các DN đang ở trong chuỗi cung ứng sản phẩm đầu vào cho mình. Tham gia vào KTTH, DN nào đi trước sẽ có nhiều lợi thế hơn trong mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao được thương hiệu.
Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, các DN đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ chế, chính sách cụ thể cho các khâu trong sản xuất xanh, như: quy định về đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo; tái sử dụng nước thải đã qua xử lý; sử dụng nguyên liệu tái chế; cấp chứng chỉ xanh… Các “điểm nghẽn” này đang cản đường trong thu hút DN đầu tư và tham gia vào sản xuất xanh, xây dựng mô hình KTTH.
Hiện nay, Việt Nam đã có những sửa đổi, bổ sung nhiều về chính sách theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút được làn sóng đầu tư xanh từ nước ngoài, bộ, ngành Trung ương và địa phương nên tiếp tục ban hành các chính sách cụ thể, rõ ràng, ổn định lâu dài hơn.