Bước vào năm 2024, nhiều yếu tố khác nhau sẽ tiếp tục góp phần gây ra sự biến động giá ngô toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng. Ảnh minh hoạ: nhachannuoi.vn

Theo thông cáo báo chí của S&P Global Commodity Insights, một số yếu tố, bao gồm nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung của Trung Quốc và tiềm năng sử dụng cây trồng biến đổi gen đã và đang “sẵn sàng” tác động đến giá ngô và dòng chảy thương mại trong khu vực.

Các nhà nghiên cứu đã chia sẻ cái nhìn sâu sắc về các động lực chính định hình thị trường ngô châu Á trong năm 2024. Được biết, vào năm 2023, giá ngô đã giảm đều đặn so với mức cao trước đó do ảnh hưởng của mùa vụ kỷ lục ở Brazil. Điều này đã giúp giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung toàn cầu.

Mặc dù đạt mức thấp nhất trong 33 tháng là 239,5 USD/tấn ghi nhận vào tháng 7/2023, nhưng đến quý 4 cùng năm, giá ngô đã phục hồi, dao động trong khoảng 255 USD – 265 USD/tấn.

Tuy nhiên, người dùng cuối cùng vẫn phải đối mặt với sự biến động về giá do thị trường thời tiết khắc nghiệt, những thách thức về hậu cần và việc nông dân bán hàng chậm ở Brazil.

Khi bước vào năm 2024, nhiều yếu tố khác nhau, đơn cử như ảnh hưởng của thời tiết, xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra và tác động của vận tải hàng hoá sẽ tiếp tục góp phần gây ra sự biến động giá cả.

Trong bối cảnh này, Đông Nam Á nổi lên như một động lực tích cực trong việc phục hồi nhu cầu, trong khi Trung Quốc vẫn là nhân tố chính định hình phương trình thương mại ngô toàn cầu.

Trung Quốc, một trong những nhà nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, đã và đang tích cực đa dạng hoá các nhà cung cấp ngô kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Cùng với đó, tiến trình xuất khẩu từ Argentina sắp trở thành hiện thực, theo dòng chảy từ Brazil và Nam Phi vào năm 2023. Nhu cầu ngô của Trung Quốc dự kiến vẫn sẽ mạnh, với mức tiêu thụ dự kiến sẽ tăng thêm 5 triệu tấn trong năm 2023 – 2024, có thể trong thời gian tới sẽ đạt mức kỷ lục.

Theo thông tin cập nhật, việc Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu ngô của Argentina đã bổ sung thêm một khía cạnh mới cho chiến lược tìm nguồn cung ứng toàn cầu của nước này. Trong đó, Trung Quốc, quốc gia luôn tìm kiếm các lựa chọn hiệu quả về chi phí, có thể chuyển sang Argentina nếu nước này đưa ra được mức giá cạnh tranh.

Động thái này có thể hỗ trợ Argentina trở thành nhà cung cấp ngô được ưa chuộng, đặc biệt là trong bối cảnh tồn tại những thách thức trong việc trồng ngô Safrinha của Brazil và bất ổn trong sản xuất do ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino đối với ngô của Argentina. Những thay đổi tiềm năng trong chính sách thương mại và nông nghiệp của Argentina, bao gồm giảm thuế xuất khẩu, ít can thiệp thị trường hơn và tăng cường hỗ trợ cho nông dân… càng tạo điều kiện thuận lợi cho một hiệp định xuất khẩu với Trung Quốc.

Những thay đổi này nhìn chung là phù hợp với sự chuyển đổi của Argentina sang các chính sách thân thiện hơn với thị trường dưới thời tổng thống mới là ông Javier Milei.

Ghi nhận vào năm 2023, Trung Quốc chứng kiến sản lượng ngô kỷ lục 288,84 triệu tấn, tăng 4% so với năm trước.

Cũng đáng quan tâm, sự lạc quan xung quanh sự phục hồi của nhu cầu xay xát thức ăn chăn nuôi và thịt ở Đông Nam Á cũng góp phần tạo ra tâm lý thị trường ngô tích cực. Đặc biệt, Việt Nam đã chứng kiến mức nhập khẩu ngô gia tăng khi giá giảm, qua đó duy trì dòng chảy thương mại đáng kể từ nhiều quốc gia khác nhau.

Những người tham gia vào thị trường bày tỏ sự tin tưởng vào lượng nhập khẩu vượt quá mức 10 triệu tấn vào năm 2024, song vẫn còn nhiều thách thức, trong đó bao gồm lo ngại về sức khoẻ động vật và rủi ro kinh tế. Cùng với đó, nhiệt độ cao hơn dự kiến ở khu vực Đông Nam Á do ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino cũng có thể ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất ngô trong khu vực.

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Thái Lan và Philippines có thể sẽ phải đối mặt với những bất lợi liên quan đến thời tiết, qua đó buộc phải xem xét kỹ hơn các chính sách nhập khẩu hiện tại trong trường hợp thiếu hụt sản xuất. Các lĩnh vực có liên quan như thức ăn chăn nuôi ở châu Á… sẽ đóng vai trò then chốt trong việc quyết định động lực của nhu cầu trên thị trường ngô toàn cầu vào năm 2024.

Ngoài ra, việc giám sát chặt chẽ các chính sách liên quan đến ethanol từ ngô ở Mỹ và Brazil cũng sẽ rất quan trọng để hiểu được sự cạnh tranh về nguồn cung ngô trong năm tới.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)