Singapore được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong năm 2024. Ảnh: Vietnamnet |
Theo Business Information Industry Association (BIIA), hy vọng Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sau lệnh phong tỏa vì đại dịch và thúc đẩy tăng trưởng ở Đông Nam Á dường như đã phai nhạt. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm ngoái đã dự báo châu Á sẽ vượt lên trước các nền kinh tế tiên tiến của phương Tây. Trên thực tế, tăng trưởng của Trung Quốc kém năng động hơn nhiều so với dự kiến, bị đè nặng bởi cuộc khủng hoảng tài sản và các vấn đề khác.
Thật vậy, Ngân hàng Thế giới (WB) hiện cảnh báo châu Á đang phải đối mặt với một trong những viễn cảnh kinh tế tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ. WB dự báo Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 4,4% trong năm 2024 - một trong những mức tăng trưởng thấp nhất kể từ những năm 1960. Đồng thời, WB cũng cho rằng các chính sách công nghiệp và thương mại mới của Mỹ theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật Chips và Khoa học (CSA) đang tác động đến Đông Nam Á.
Dự báo tăng trưởng lạc quan
Bất chấp những dự đoán ảm đạm này, Đông Nam Á sẽ vẫn là “một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới”, WorldBox nhận định. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 11/2023, IMF dự báo rằng trong khi các nền kinh tế tiên tiến sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% vào năm 2024, thì các nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều. Theo IMF, Philippines sẽ tăng trưởng 5,9%, Indonesia 5%, Việt Nam 4,7%, Malaysia 4% và Thái Lan tăng trưởng 2,7% trong năm 2024.
Trong khi đó, Singapore được dự báo sẽ thoát khỏi tình trạng trì trệ mà nước này phải gánh chịu trong phần lớn năm 2023 và sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong năm 2024. Nhu cầu toàn cầu phục hồi đối với hàng xuất khẩu của Singapore và sự xoay chuyển của chu kỳ lãi suất sẽ là yếu tố hỗ trợ. Thực tế, lĩnh vực sản xuất chủ yếu để xuất khẩu của Singapore đã rơi vào tình trạng ảm đạm kể từ cuối năm 2022, do nhu cầu hàng điện tử toàn cầu sụt giảm trước sự tăng giá và tăng lãi suất.
Việt Nam bước lên nấc thang công nghệ cao
Ngược lại, xuất khẩu công nghệ cao đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ tính theo giá trị xuất khẩu. Mặc dù các chính sách IRA của Mỹ có thể gây tổn hại cho Việt Nam và các nền kinh tế Đông Nam Á khác, nước này vẫn đang thu hút lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các công ty muốn thành lập cơ sở sản xuất chi phí thấp bên ngoài Trung Quốc.
Cuối năm 2023, nhiều sản phẩm Apple đã bắt đầu được lắp ráp tại Việt Nam. Luxshare - một trong những nhà sản xuất linh kiện và thành phẩm lớn nhất của Apple tại Trung Quốc, đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, bao gồm khoảng 500 triệu USD vào một nhà máy ở tỉnh Bắc Giang - nơi sẽ tuyển dụng hàng chục nghìn công nhân.
Biến động ở các nước khác
Khác với Việt Nam, nhu cầu trong nước sẽ là động lực chính của nền kinh tế Indonesia. Theo BIIA, nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn toàn cầu, Indonesia cần phải tự do hóa khi tỷ lệ mở cửa thương mại của nước này hiện chỉ là 35%, so với 200% của Việt Nam. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sự phụ thuộc của Indonesia vào nhu cầu nội địa sẽ là “lá chắn” bảo vệ nước này trước tình trạng tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.
Đáng lưu ý, Thái Lan có thể nằm trong số các nền kinh tế ASEAN giảm tốc trong năm 2024. Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) ước tính nền kinh tế nước này tăng trưởng 2,5% trong năm 2023, thấp hơn so với mức dự báo 2,5%-3,0% được đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự đoán Thái Lan có nguy cơ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong ASEAN trong 20 năm tới, do dân số già đi và đầu tư tư nhân chậm lại.
Cũng như Thái Lan, Malaysia đã trải qua những biến động chính trị đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tăng trưởng ở Malaysia đang tăng tốc và ước tính đạt mục tiêu 4% trong năm 2023, nhờ chi tiêu nội địa mạnh mẽ, điều kiện thị trường lao động được cải thiện và chi tiêu du lịch tăng lên. Chính phủ kỳ vọng nền kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng từ 4%-5% vào năm 2024.
Theo IMF, trong số các nền kinh tế nhỏ hơn của ASEAN, Campuchia dự kiến sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay, nhờ nhu cầu trong nước. Trong khi đó, tổ chức này dự đoán doanh thu từ du lịch, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sẽ giúp nền kinh tế đang gặp khó khăn của Lào tăng trưởng 4% vào năm 2024, Brunei sẽ tăng trưởng khoảng 3,5% khi ngành dầu khí hồi sinh. Trong khi đó, cuộc nội chiến lan rộng ở Myanmar sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế nước này.
Nhìn chung, hầu hết các nước ASEAN sẽ có thêm một năm tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn tiếp tục xảy ra ở Trung Quốc và sự suy yếu hơn nữa ở các nền kinh tế tiên tiến. Theo dự đoán của WorldBox, tăng trưởng ở khu vực này sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm, khi chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến được nới lỏng.