Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024
Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Nhìn lại năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, về tổng thể tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Ở trong nước, nền kinh tế chịu "tác động kép" của các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn sau đại dịch COVID-19.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2024, Thủ tướng chỉ rõ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (liên kết vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen…).
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược. Trình ban hành các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng Hàng không quốc tế Long Thành; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi; hướng tới mục tiêu có 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn từ nay đến năm 2030; sớm tăng thêm 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao nói chung cho phát triển kinh tế - xã hội.
Xét xử vụ Việt Á: Làm rõ hành vi nhận tiền của các bị cáo
Trong tuần qua, đáng chú ý là việc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Phiên toà bắt đầu phiên xét xử vào ngày 3/1. Theo đó, 38 bị cáo này bị truy tố về các tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Tại phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ Việt Á, trình bày tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á - Công ty Việt Á) đã thừa nhận đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm là thuộc sở hữu của Nhà nước. Việc lấy test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á là vi phạm pháp luật.
Để được các đồng phạm can thiệp, giúp đỡ như nêu trên, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng. Việt còn khai việc duyệt chi % ngoài hợp đồng cho các đại lý, CDC các tỉnh, thành… là do Việt quyết định, các nhân viên phải báo cáo Việt trước khi quyết định chi khoản tiền này.
Trả lời thẩm vấn của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Chu Ngọc Anh thừa nhận việc ký các Quyết định giao Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu Đề tài tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm COVID-19 là vi phạm pháp luật. Bị cáo thừa nhận số tiền 200.000 USD đã nhận của Việt Á và bày tỏ sự hối hận về việc này. Tuy nhiên, hiện valy đựng số tiền này được cất trong nhà của bị cáo nhưng người nhà bị cáo chưa tìm thấy cất ở đâu. Gia đình bị cáo Chu Ngọc Anh đã nộp lại 4,6 tỷ đồng giúp bị cáo khắc phục hậu quả trong vụ án này.
Cũng trong phần thẩm vấn, khai tại Tòa, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương Phạm Duy Tuyến cho rằng việc nhận 27 tỷ đồng chỉ là chia sẻ lợi nhuận, song lại dùng số tài khoản của bạn bè, người thân để chuyển tiền.
Sau khi nhận tổng số tiền 27 tỷ đồng, Tuyến đưa tiền cho một số người và bản thân bị cáo sử dụng riêng hơn 16 tỷ đồng. Trong đó, Tuyến khai có đưa cho Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) 7 tỷ đồng; 3 lần đưa tiền cho Phạm Xuân Thăng, cục bí thư tỉnh uỷ Hải Dương với tổng số 600 triệu đồng và 50.000 USD. Còn theo cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết có chỉ đạo này là do Thứ trưởng Bộ Y tế khi đó là Nguyễn Thanh Long giới thiệu Công ty Việt Á.
Bản thân cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong lời khai trước đó cũng khẳng định tỉnh Hải Dương chính là địa phương duy nhất mà bị cáo "giới thiệu, can thiệp" đưa Công ty Việt Á vào chống dịch và bán kit test.
Theo dự kiến, phiên toà xử vụ đại án Việt Á kéo dài trong 20 ngày.
Xử lý sớm, dứt điểm vụ 'xá lợi tóc Đức Phật'
Liên quan đến vụ việc chùa Ba Vàng rước, tổ chức chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật”, gây nhiều ý kiến không tốt trong dư luận xã hội, sáng 5/1, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng đại diện một số bộ, ngành và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đánh giá, đây là vụ việc vi phạm cần phải được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trách nhiệm chính thuộc về UBND tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp. Căn cứ vào Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) và các văn bản pháp luật có liên quan để xem xét, xử lý đúng quy định. Căn cứ thẩm định của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar về nguồn gốc của “xá lợi tóc Đức Phật” để đề xuất các biện pháp xử lý đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, hoạt động trưng bày vật thể được gọi là “xá lợi tóc Đức Phật” của chùa Ba Vàng là hoạt động triển lãm, vi phạm Nghị định 23/2019/NĐ-CP về hoạt động triển lãm. Hoạt động này chưa đáp ứng quy định về chủ thể, thời gian đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Bà cho biết, “tỉnh sẽ sớm đưa ra xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định”.
Trước đó, chiều 4/1, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã họp, thống nhất biện pháp kỷ luật đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh liên quan đến vụ việc trên. Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã nhận lỗi trước Giáo hội, tăng, ni và Phật tử về vụ việc đáng tiếc để dư luận chỉ trích, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội, khiến dư luận hoang mang; sám hối trước chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế tại chùa trong một năm. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động tôn giáo và truyền thông của chùa Ba Vàng đúng quy định của Giáo hội và pháp luật.
Trước đó, từ ngày 23 - 27/12/2023 (tức ngày 11 - 15 tháng 11, năm Quý Mão), chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày, chiêm bái cái gọi là “xá lợi tóc Phật” cho nhân dân chiêm bái. Sự việc gây xôn xao dư luận, có nhiều ý kiến hoài nghi về nguồn gốc của “xá lợi tóc” và mục đích tổ chức sự kiện.
Bắt tạm giam nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương
Chiều 4/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo đó, mở rộng điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, ngày 2/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự, đối với Hoàng Quốc Vượng, sinh năm 1963, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với Hoàng Quốc Vượng.
Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.
Bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về hành vi 'Nhận hối lộ'
Thông tin từ Bộ Công an chiều 2/1 cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp để điều tra về hành vi "Nhận hối lộ".
Theo Bộ Công an, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đang điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 10/QĐ-CSKT-P10 ngày 4/3/2023; Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/QĐ/CSKT-P10 ngày 9/8/2023 và số 24/QĐ-CSKT-P2 ngày 25/11/2023; vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Công an xác định: Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có hành vi nhận hối lộ liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng. Hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào tội "Nhận hối lộ", quy định tại Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngày 2/1/2024, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Trần Văn Hiệp về tội danh nêu trên. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng, đảm bảo thu hồi triệt để cho Nhà nước.