Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: TXVN 

Đáp ứng yêu cầu chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi pháp luật

Mặc dù quy trình tố tụng của pháp luật tương đối chặt chẽ nhưng chưa thể ràng buộc tất cả mọi vấn đề nảy sinh, nhất là vấn đề dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Những quy định của Đảng chưa thể bao quát được toàn bộ các quy trình, chưa gắn trách nhiệm của các tổ chức cấp ủy, lãnh đạo trong các cơ quan thực thi pháp luật.  

Thực tế những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng với hàng loạt vụ án được phát hiện, xử lý đã cho thấy quyết tâm lớn, nỗ lực cao trong toàn hệ thống chính trị. Những kết quả đạt được khẳng định các công tác lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tố tụng được chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và được đưa ra xét xử nghiêm minh. Chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp chế và quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân

Mặc dù, quy định tố tụng đã chặt chẽ nhưng việc chấp hành của các cơ quan, cá nhân vẫn tìm cách “lách luật”, cố ý làm trái vì động cơ vụ lợi. Sai phạm không còn là hiện tượng cá nhân riêng lẻ, mà có nơi còn mang tính tập thể. Điển hình như vụ sai phạm ở Công an quận Đồ Sơn (Hải Phòng), 13 cán bộ, chỉ huy Công an phường Phú Thọ Hòa (Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) đều có chung hành vi bắt người vi phạm về ma túy rồi không xử lý theo luật, thu tiền trái phép. Một loạt cán bộ của các cơ quan thi hành án ở Quảng Ninh, Phú Thọ lạm dụng tha trước thời hạn trái quy định cho đối tượng trong vụ án đánh bạc hàng ngàn tỷ đồng. Có không ít thẩm phán ở một số tỉnh nhận tiền hối lộ để giảm nhẹ hình phạt cho tội phạm. Mới đây, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận về Cục trưởng Thi hành án tỉnh Thừa thiên Huế có dấu hiệu không bình thường, vi phạm công tác cán bộ, chi sai quy định trong sửa chữa xây dựng và kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ.    

Hướng đến một nền tư pháp trong sạch, minh bạch

Quy định 132 nêu rõ nội dung, nguyên tắc, phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Điều 6 nêu cụ thể 28 hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và một số các hành vi khác. Những nội dung đó đã được thể hiện trong Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, nhưng được nâng lên thành quy định mang tính ràng buộc chặt chẽ hơn. Thể hiện cụ thể như: “Không được can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Và hành vi “tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp”. Điều đó chế tài đến lãnh đạo, cán bộ thực thi trực tiếp và những người có liên quan đến quy trình tố tụng.

Việc thực thi Quy định 132 không chỉ là cơ chế mà còn từng bước thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Yêu cầu đặt ra là hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trên cộng đồng mạng xuất hiện những quan điểm, phản ứng của một số tổ chức chống đối với quy định này.

Chúng cho rằng: “Quy định pháp luật đã có nhưng Đảng còn đưa thêm cho rườm rà”, “tô đậm thêm tính chất Đảng trị, xóa nhòa đi tính chất pháp trị”, “phủ quyết lên pháp luật”, “không bảo đảm khách quan”, “vẽ thêm những trò chơi cho Đảng trị trong xã hội”. Những luận điệu đó chỉ là chiêu trò nhằm bôi đen cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam; xuyên tạc những nỗ lực, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quy định của Đảng không trái với pháp luật, không sai về đường lối thì có lẽ gì bên ngoài lại can thiệp!      .

Quy định 132 ban hành trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng với kiểm soát quyền lực là phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi. Quy định kiểm soát quyền lực ngay từ gốc không chỉ là biện pháp hữu hiệu, có tác dụng ngăn ngừa, cảnh tỉnh những người có ý định tham nhũng, mà còn có ý nghĩa mở rộng phạm vi tác động đến nhiều lĩnh vực khác. Hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy tư pháp ngày càng trong sạch, minh bạch, quyền lực luôn đi kèm nghĩa vụ và trách nhiệm, mọi hành vi lợi dụng để làm trái sẽ bị xử lý nghiêm minh. Quy định 132 một lần nữa khẳng định quyết tâm kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được cán bộ và Nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

NGUYỄN AN HÒA