Sở Tài chính nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh |
Năm 2023, ngành Tài chính đã thực hiện đầy đủ và đồng bộ các giải pháp hoàn thành những chỉ tiêu trọng yếu của nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn đạt 11.350 tỷ đồng vượt 14,3% so với dự toán; chi ngân sách cả năm đạt 14.154 tỷ đồng, bằng 97,5% so với dự toán địa phương giao năm 2023.
Trên cơ sở nhiệm vụ và giải pháp của UBND tỉnh đề ra, Sở Tài chính cũng xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai phấn đấu hoàn thành trong năm 2024. Cụ thể, dự toán thu ngân sách giao năm 2024 là 11.789 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2023, ngành Tài chính phấn đấu thu ngân sách tăng trên 12%; chi ngân sách đạt 15.984 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã có những trao đổi xung quanh công tác quản lý tài sản công, các giải pháp thu, chi ngân sách, đội ngũ nhân sự cho ngành Tài chính…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh vai trò và đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ UBND tỉnh đã đề ra. Đồng thời yêu cầu ngành Tài chính và các địa phương nỗ lực hơn nữa, làm cơ sở để Thừa Thiên Huế trình Trung ương Đề án đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngành Tài chính phải linh hoạt trong điều hành chính sách tài chính, ngân sách, giá cả, triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2024. Phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 với số thu phấn đấu thực hiện là trên 12.700 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Tài chính cũng như các địa phương không kỳ vọng quá nhiều vào tăng thu ngân sách từ tiền sử dụng đất mà tập trung và các giải pháp thu ở các lĩnh vực khác… Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tiến hành phân định mốc thu ngân sách, vạch chiến lược thu cụ thể theo từng ngày, theo dõi tại hệ thống nửa tháng một lần để có thể có báo cáo, rút kinh nghiệm, đốc thúc thu kịp thời.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác giải ngân chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên; có phương án đôn đốc, theo dõi tiến độ sử dụng vốn bổ sung cho mục tiêu của tỉnh, các địa phương. Tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước. Quản lý, sắp xếp, có phương án tổng thể để sử dụng trụ sở, ô tô công phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị và tiêu chuẩn định mức. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan giám sát chặt chẽ, kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về kê khai niêm yết giá, chế độ kế toán thống kê, hóa đơn chứng từ; chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro.