Phố cổ Bao Vinh hiện nay. Ảnh: Ngọc Hòa |
Ấn tượng sâu sắc nhất cho du khách khi đến thăm Bao Vinh bấy giờ là hình ảnh các con thuyền và chợ nổi trên sông với đủ loại tàu, thuyền đến từ nước ngoài, từ tỉnh bạn, thuyền đi khơi, ghe đánh cá, thuyền từ đầm phá lên hay rừng núi xuôi về; rồi cả những con đò loại có mái, loại không mái… “Mỗi chiếc thuyền lớn là một cửa hàng nổi, đông khi chung quanh có hàng chục đò nhỏ đến mua bán…” đậu chật cả tuyến sông “tạo ra một quang cảnh rất đẹp mắt và vẽ ra cho thấy một cuộc sống thương mại phồn thịnh” ở Bao Vinh.
Hơn một thế kỷ nhìn lại, chúng ta thấy điểm đặc biệt của Bao Vinh là trung tâm giao thương về đường thủy, là trung tâm thương mại sầm uất nhất Kinh đô Huế với những hoạt động thương mại trên bến dưới thuyền, dưới chợ sau sông, trên kho dưới chợ là một đặc trưng của các khu đô thị cảng cổ xưa mà ở Huế chỉ Bao Vinh có được, duy trì trong thời gian dài và còn giữ được phần nào cho đến ngày nay. Vì vậy, để khai thác và phát triển du lịch ở Bao Vinh, không chỉ tập trung chủ yếu vào các di sản vật thể và phi vật thể đang hiện diện mà cần đẩy mạnh tiềm năng du lịch đường sông - một trong những hồn cốt của Bao Vinh, là điểm tạo ra sự khác biệt cho du lịch Bao Vinh nói chung và du lịch đường thủy gắn với sông Hương nói chung.
Bao Vinh cần khai thác tối đa các tài nguyên về văn hóa, kiến trúc, nghề truyền thống, cảnh quan gắn liền với mặt nước, kết nối với các điểm vệ tinh để xây dựng các tour tuyến, lễ hội độc đáo, mới lạ trải đều cả thời gian và không gian… Bao Vinh cần phối hợp với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, văn hóa để xây dựng các chương trình và “thổi hồn” vào các công trình kiến trúc cổ hiện còn bằng những câu chuyện tái hiện quá khứ cảng thị của vùng đất này trong lịch sử. Chất liệu nghề truyền thống và đời sống sinh hoạt của người dân là chất xúc tác cho các sản phẩm du lịch ngày càng hấp dẫn hơn, đặc biệt là các lễ hội trên sông kết hợp tìm hiểu, sáng tạo với nghề thủ công hay tìm hiểu về các sản phẩm của Bao Vinh và các làng (Tiên Nộn, Thanh Tiên, Sình) hay trung tâm lân cận (Kinh thành, Đông Ba - Gia Hội).
Các hoạt động thể thao cũng cần được tổ chức thường xuyên ở Bao Vinh, đặc biệt là các hoạt động thể thao gắn với mặt nước, dòng chảy của dòng sông để tạo sự mới lạ, tôn vinh vẻ đẹp của dòng Hương, gợi nhắc về một thời kỳ huy hoàng của một cảng sông lớn nhất kinh đô xưa. Cần xây dựng nhiều hoạt động gắn với sông nước ngoài đua thuyền, biểu diễn văn nghệ trên sông, thả hoa đăng, ngắm pháo hoa, lễ hội liên quan đến đời sống hay nghề truyền thống của địa phương… Cần đầu tư, xây dựng và khuyến khích các hoạt động mới, lạ như biểu diễn thuyền buồm, thi các mẫu thuyền điện, rước thuyền hoa đăng, các hoạt động thể thao dưới nước...
Ở trên bộ, cần đầu tư hơn các cơ sở lưu trú, chỗ nghỉ ngơi, ngắm sông đầy đủ tiện nghi với phong cách phục vụ chu đáo, tinh tế và thể hiện được đặc trưng của địa phương. Quy hoạch hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt nghiêm cấm xe ô tô đi qua khu vực giữa phố cổ và bờ sông, tạo sự tiện lợi, an toàn cho du khách và tạo không gian cho du khách có thể dễ dàng tiếp cận với sông Hương. Với các hộ gia đình đang sinh sống dọc theo bờ sông, khu vực phía trước chợ, nếu chưa có kinh phí di dời, giải tỏa cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần cho phép và tạo điều kiện khai thác các dịch vụ về ẩm thực, lưu trú, khai thác mặt tiền nhìn ra sông để du khách có thể ngắm cảnh và thưởng thức các hoạt động trên sông.
Chợ đêm là một loại hình cần xây dựng, tái hiện lại ở Bao Vinh một cách sinh động, văn minh và đẹp đẽ. Trong đó tập trung các hoạt động giải trí, ẩm thực với các món ăn truyền thống địa phương. Chợ cũng là điểm giới thiệu các loại sản vật và hàng hóa tái hiện lại một phần bức tranh về chợ Bao Vinh do các học giả người Pháp đã ghi nhận lại nhằm tạo sự thú vị và khác biệt cho điểm du lịch. Chợ nổi cũng là một điểm độc đáo cần lưu ý khi nhận diện tiềm năng của Bao Vinh. Đây chính là sự khác biệt, là lợi thế để Bao Vinh sử dụng chất liệu truyền thống xây dựng thành một nét riêng, hiếm và lạ, góp thêm sự đa dạng cho bức tranh của ngành du lịch Thừa Thiên Huế. Để khai thác tài nguyên phát triển du lịch, Bao Vinh như nhiều vùng miền khác ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đều đối diện với nhiều thách thức. Đó là vấn đề giao thông (thủy/bộ), vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn cho du khách, vấn đề nguồn lực…
Bao Vinh cần gấp rút giải bài toán an toàn giao thông cho du khách, hạn chế xe gắn động cơ ở khu phố cổ và các điểm du lịch; giải quyết vấn nạn ô nhiễm ở khu vực ven sông, làm thông thoáng các dòng chảy, vệ sinh và tạo cảnh quan cho các đường làng, ngõ xóm, các khu vực mặt nước… Ngay từ bây giờ, cần xây dựng tuyên truyền cho du khách đến với Bao Vinh phải có ý thức được trách nhiệm bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo sự liên kết thân thiện giữa con người và thiên nhiên thông qua các hoạt động hạn chế rác thải nhựa, sử dụng xe đạp thay thế xe gắn động cơ. Bên cạnh đó, chính quyền và các ngành liên quan cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia du lịch đường sông mạnh dạn chuyển đổi các loại thuyền gắn động cơ chạy bằng xăng bằng các loại thuyền chèo tay dùng sức người hoặc gắn động cơ điện, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi giao thông xanh mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt.
Bao Vinh đang bắt đầu có những bước chuyển mình do chính những người con Bao Vinh đồng lòng tạo động lực. Nhiều du khách gần xa đã tìm về Bao Vinh để ghé cà phê Mắt biếc, hay ghé Mạ’ House trải nghiệm làm bánh, vô chợ Bao Vinh ăn hàng… Những chiếc thuyền du lịch cũng ghé bến thuyền. Nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn về luồng lạch, về quy định, về chính sách… Hy vọng, trong tương lai nhiều chính sách hợp lý trong công tác khai thác tài nguyên để phát triển du lịch sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp và sự đồng lòng của người dân để Bao Vinh sớm “thức dậy” sau một thời gian dài ngủ quên.