ILO dự báo tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng lên 5,2% trong năm 2024. Ảnh: THX/TTXVN |
ILO cho biết quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã chậm lại, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra và lạm phát dai dẳng dẫn đến những động thái quyết liệt của các ngân hàng trung ương.
Báo cáo của ILO chỉ ra rằng tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đã cao hơn một chút so với dự đoán và thị trường lao động cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, tiền lương thực tế đã giảm ở hầu hết các nước G20 do mức tăng lương không theo kịp lạm phát.
Năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu đứng ở mức 5,3% và đã cải thiện một cách khiêm tốn vào năm ngoái khi giảm nhẹ xuống còn 5,1%. Tuy nhiên, đằng sau những con số này, sự mong manh đang bắt đầu xuất hiện. ILO dự báo triển vọng thị trường lao động và tình trạng thất nghiệp toàn cầu đều sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, với ước tính sẽ có thêm 2 triệu người lao động phải tìm kiếm việc làm, nâng tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu lên 5,2%.
Những phát hiện này của ILO cũng phù hợp với một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố hôm 9/1, trong đó nói rằng nền kinh tế toàn cầu đang trên đà ghi nhận nửa thập kỷ tăng trưởng tồi tệ nhất trong 30 năm.
Ngoài triển vọng thị trường việc làm không chắc chắn, ILO lưu ý thêm rằng thu nhập khả dụng đã giảm ở phần lớn các quốc gia G20 và nói chung, sự suy giảm mức sống do lạm phát “khó có thể được bù đắp nhanh chóng".
Chênh lệch lớn
Theo các chuyên gia phân tích của ILO, có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia có thu nhập cao hơn và thấp hơn. Trong khi tỷ lệ chênh lệch việc làm (bao gồm tất cả những người muốn làm việc nhưng không có việc làm và đang tìm việc) trong năm 2023 là 8,2% ở các nước giàu hơn thì con số này ở các nước nghèo hơn lên đến 20,5%.
Tương tự, trong khi tỷ lệ thất nghiệp năm 2023 đứng ở mức 4,5% tại các nước giàu, thì tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp là 5,7%.
Người lao động nghèo
Cũng theo báo cáo của ILO, mặc dù đã giảm nhanh chóng sau năm 2020, nhưng số lượng người lao động sống trong tình trạng nghèo cùng cực (kiếm được dưới 2,15 USD/người/ngày) vẫn tăng khoảng 1 triệu người trong năm 2023.
Báo cáo lưu ý rằng bất bình đẳng về thu nhập cũng đang ngày càng gia tăng, và các xu hướng cho thấy sự xói mòn của thu nhập thực tế khả dụng - “điềm báo xấu cho tổng cầu và sự phục hồi kinh tế bền vững hơn”.
Bất chấp nhiều sáng kiến chính sách khác nhau nhằm giải quyết “nền kinh tế ngầm” (dùng để chỉ các hoạt động kinh tế bất hợp pháp), số người làm việc phi chính thức dự kiến sẽ không thay đổi, chiếm khoảng 58% lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2024.
Phục hồi không đồng đều sau đại dịch
Báo cáo của ILO cho biết dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với đại dịch COVID-19 vào tháng 5 năm ngoái, nhưng dư chấn của đại dịch hiện vẫn đang còn được cảm nhận.
Các triệu chứng còn sót lại và các vấn đề sức khỏe đối với khoảng 20% những người bị “long-COVID” vẫn tồn tại đối với nhiều người và ảnh hưởng đến năng suất.
Nhiều người tái gia nhập thị trường lao động sau đại dịch có xu hướng không thể làm việc với số giờ như cũ, trong khi số ngày nghỉ ốm đã tăng lên đáng kể.
Sự tham gia của phụ nữ vào thị trường việc làm đã nhanh chóng phục hồi nhưng khoảng cách giới tính đáng chú ý vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn tiếp tục là một thách thức lớn.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy mặc dù có tiến bộ công nghệ và đầu tư tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng năng suất vẫn đang tiếp tục chậm lại.
Tổng Giám đốc ILO, ông Gilbert F. Houngbo cảnh báo rằng những thách thức về lực lượng lao động là mối đe dọa đối với cả sinh kế cá nhân và doanh nghiệp, và điều cần thiết là chúng ta phải giải quyết chúng một cách hiệu quả và nhanh chóng. Theo ông, “mức sống giảm sút và năng suất yếu, kết hợp với lạm phát dai dẳng đã tạo điều kiện cho sự bất bình đẳng gia tăng và làm suy yếu những nỗ lực đạt được công bằng xã hội… Và nếu không có công bằng xã hội lớn hơn, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự phục hồi bền vững”.