Xung quanh câu chuyện này, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Võ Ca Dao, Giám đốc Công ty Dịch thuật D-institute, Phó Tổng Giám đốc OBC (One Business Connection) Việt Nam, để nghe những chia sẻ của ông về cách gieo thói quen đọc sách cho trẻ.
Ông Võ Ca Dao |
Là giám đốc của một công ty làm về sách và thường xuyên tiếp cận với sách, ông có thể cho biết việc đọc sách từ nhỏ đối với con trẻ quan trọng như thế nào và đọc sách sớm sẽ mang đến cho trẻ lợi ích gì?
Hình thành thói quen đọc sách từ bé sẽ sớm giúp cho trẻ có trí tưởng tượng phong phú, nâng cao khả năng tư duy, tạo nên vốn từ ngữ đa dạng, và thậm chí là giúp cho trẻ có thêm những lợi ích như ham học hỏi, hình thành lòng nhân ái, tính kỷ luật, thích giúp đỡ người khác.
Có thể ví von, trẻ con là tờ giấy trắng, bằng việc cho bé tiếp xúc câu chuyện về lòng can đảm, bé sẽ dần trở thành con người dũng cảm, muốn trẻ có thói quen ngăn nắp, gọn gàng… hãy đưa bé đến với trang sách có những kiến thức đó.
Với cá nhân tôi - một người cha, tôi nhận thấy những cuốn sách còn giúp cha con tôi hiểu nhau hơn.
Ông nghĩ sao về việc đọc sách khá ít của trẻ em hiện nay? Điều này có đến mức báo động chưa? Vì sao ngày trước trẻ em ham thích đọc sách hơn bây giờ, thưa ông?
Theo quan sát của tôi, so với trước đây, trẻ đọc sách nhiều hơn, bằng chứng là hiện nay có nhiều đầu sách cho thiếu nhi, phong phú về đề tài, đa dạng về hình thức hơn so với trước. Nhưng đúng là, chẳng riêng gì trẻ, mà ngay cả người lớn, cũng đang có phần xa rời với sách giấy truyền thống khi có nhiều loại hình khác hấp dẫn hơn đang xuất hiện.
Cha mẹ nên tập cho trẻ có thói quen đọc sách từ nhỏ (Ảnh minh họa) |
Nếu như trước đây, trẻ chỉ có sách, thì nay với chiếc điện thoại thông minh, trẻ có thể chơi trò chơi, học nhiều kiến thức từ sự hấp dẫn của các app giáo dục, các trò chơi điện tử, các clip sinh động, hấp dẫn. Do vậy, như một xu hướng không thể tránh khỏi, điều người lớn cần làm là chọn lọc sản phẩm phù hợp, thiết lập thời gian phù hợp để trẻ không “tiêu thụ” phải thứ độc hại, hoặc sử dụng những thứ trên quá nhiều dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe.
Nghĩa là đã đến lúc hãy nghĩ sách là ở một khái niệm rộng hơn. Sách không chỉ là sách giấy.
Vậy cha mẹ cần làm gì để khiến con thích thú và say mê đọc sách ngay từ nhỏ?
Cha mẹ là tấm gương. Không thể khuyến khích trẻ đọc sách khi cha mẹ mải mê lướt Facebook. Việc cha mẹ đọc sách trước mặt con, cùng con đọc sách sẽ giúp trẻ dần hình thành tình yêu với sách. Ngoài ra, mỗi cuối tuần, cha mẹ nên đưa con đi nhà sách, thư viện. Hiện nay, Thư viện tỉnh Thừa Thiên Huế đang có một không gian đọc sách rất đẹp, nhiều sách hay cho thiếu nhi. Đây là một không gian đọc sách rất thú vị cho các em nhỏ.
Nhưng nếu chỉ cha mẹ làm gương là chưa đủ, tôi nghĩ cần sự góp sức của nhà trường nữa. Đừng để các thư viện trường chỉ là kho chứa sách, và không gian đọc sách thiếu ánh sáng, chật chội mà phải làm sao để học trò hứng thú đọc sách. Thầy, cô cũng chính là những người truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc khơi gợi hứng thú đọc sách cho con không?
Thứ nhất, tôi có tham gia các nhóm phụ huynh đọc sách cùng con để học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Cũng từ đây, tôi được giới thiệu những đầu sách phù hợp cho trẻ và các đầu sách phù hợp cho việc làm cha mẹ.
Thứ hai, tôi gieo cho con mình hai điều: thứ nhất là sử dụng tivi, điện thoại lúc bé thơ là không tốt cho mắt, nhằm hạn chế bé tiếp xúc các thiết bị điện tử; thứ hai là được đi nhà sách là một phần thưởng, một niềm vui đặc biệt, ở đó chúng ta khám phá thế giới qua những trang sách (tôi dùng đúng từ “khám phá thế giới”).
Thứ ba, tôi dành thời gian cho việc đọc sách với bé. Không chỉ dừng lại việc đọc diễn cảm các câu chuyện, tôi còn lồng ghép thêm các câu đố, các bài học từ sách để giáo dục trẻ. Thứ tư, gần như định kỳ hàng tuần, bé sẽ được đi nhà sách để chọn sách.
Tôi muốn nói thêm, ngay từ khi bé chỉ mới một, hai tuổi, tôi đã cho bé tiếp xúc với sách. Những cuốn sách tương tác, xé dán, hay những bộ sách Ehon (một thương hiệu sách thiếu nhi nổi tiếng của Nhật Bản) giúp trẻ có sự tò mò, háo hức với sách.
Hẳn cha con ông đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ liên quan tới sách?
Vâng, đó là kỷ niệm liên quan đến sách với người cha của mình. Tôi lớn lên trong một ngôi nhà đầy sách… Đến mức, nhiều người đến chơi nhà thường buột miệng “nhà chả thấy gì mà toàn sách”. Có lẽ tình yêu với sách cũng ươm mầm từ một không gian như thế. Gần đây khi dọn dẹp lại phòng đọc của gia đình, tôi đã gặp rất nhiều cuốn sách được ghi chú ở trang bìa lót: sinh nhật 1 tuổi của Ca Dao, mừng sinh nhật Ca Dao 2 tuổi… Có vẻ như cha tôi đã đánh dấu ngày tháng lớn lên của tôi là những trang sách.
Với bé trai của tôi thì hai cha con thường đi nhà sách mỗi cuối tuần. Đã có lần hai cha con đi bộ trên cầu Trường Tiền để đến nhà sách Phú Xuân, bé chỉ những chiếc xe gặp trên đường đi và nói vanh vách tên các chiếc xe cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Hóa ra, ở nhà bé được đọc với mẹ và sau đó đã nhớ. Hay là có lần vào nhà sách, bé chỉ một cuốn sách và nói đây là cuốn sách ba đang đọc nè. Bé chỉ mới biết chữ cái, chứ chưa đánh vần được, nhưng bé chỉ ra được cuốn sách tôi đang đọc là vì bé có sự quan tâm, quan sát, và tôi rất vui vì điều đó.
Có một số cha mẹ khá thờ ơ với việc tạo hứng thú cho con đọc sách, nhưng có cha mẹ lại hơi bảo thủ khi ép con đọc sách chứ không phải là khích lệ con đọc sách, điều này liệu có đi ngược tác dụng? Theo ông, trong trường hợp này cha mẹ cần phải làm gì thì con mới thực sự thích thú và tự nguyện đến với sách?
Là người mê đọc sách và thích giúp con mình mê đọc sách nhưng tôi vẫn cho rằng, sách không phải là cách duy nhất để dạy trẻ. Đưa trẻ đi chơi nơi này, chỗ nọ cũng là cách dạy trẻ. Cho trẻ học đàn, học vẽ, học bơi cũng là cách dạy trẻ. Và đọc sách cũng là cách để giúp trẻ phát triển.
Nhưng để gieo một thói quen, đừng chỉ bằng việc áp đặt, ra lệnh… mà phải tạo niềm vui, khơi gợi niềm hứng khởi. Nếu một căn nhà đầy sách là khơi gợi sự tò mò. Môi trường với sách, với hình ảnh cha mẹ đọc sách sẽ khiến trẻ học theo. Phần thưởng cho trẻ là những cuốn sách, những chuyến đi nhà sách sẽ khiến trẻ có sự yêu mến việc đọc sách. Đưa cuốn sách cho trẻ mà không đúng đề tài trẻ đang yêu thích, muốn tìm hiểu thì bé sẽ không thấy hứng thú. Không tâm tình chỉ ra được cho trẻ những lợi ích cụ thể mà chỉ nói chung chung kiểu đọc sách cho giỏi hơn thì làm sao khiến trẻ muốn đọc sách.
Và, hãy thử trả lời câu hỏi trẻ đang tự hỏi: Ba mẹ không đọc sách bao giờ sao lại nói đọc sách có nhiều lợi ích?!
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!