Toàn cảnh làng cổ Phước Tích. Ảnh: Đức Hiếu 

Ngày 11/1, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế xác nhận thông tin trên và cho biết đang trong giai đoạn thực hiện những bước đầu tiên.

Theo ông Lộc, bảo tàng đã phối hợp với UBND huyện Phong Điền làm hồ sơ lý lịch trích ngang. Hồ sơ này sau đó trình lên UBND tỉnh và sẽ được gửi ra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin ý kiến thỏa thuận chủ trương. Một khi thống nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có văn bản gửi lại cho địa phương, tiếp đó mới tiến hành các thủ tục, hồ sơ theo trình tự.

Cùng ngày, ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho hay, tờ trình đề nghị thỏa thuận chủ trương xếp hạng làng cổ Phước Tích là di tích Quốc gia đặc biệt đã được UBND tỉnh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Làng cổ Phước Tích được công nhận di tích quốc gia vào năm 2009. Ngôi làng cổ này được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, giáp với tỉnh Quảng Trị, cách TP. Huế 40km về phía Bắc, được thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông. Thời điểm được công nhận di tích quốc gia, làng được đánh giá vào hàng vẹn nguyên, quý giá không chỉ ở miền Trung mà còn của cả nước với hàng chục ngôi nhà rường - vườn truyền thống có giá trị đặc biệt về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ.

Du khách quốc tế tham quan làng cổ Phước Tích 

Cùng với đó, làng cổ Phước Tích vẫn giữ được hàng loạt hệ giá trị văn hóa như thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng (đình, chùa, nhà thờ họ, đền, miếu, am), cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan xóm làng.

Ngày nay, làng cổ Phước Tích trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong nước lẫn quốc tế với những hoạt động văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm làng nghề… nhộp nhịp.

Những năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, làng cổ Phước Tích đã được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện chiếu sáng, điện ngầm, đường lát gạch, bãi đỗ xe du lịch. Đặc biệt, có 23/25 nhà rường hoàn thành trùng tu, tôn tạo theo đề án “chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”.

N. MINH